Sáng 15/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ và lắng nghe ý kiến đề xuất của lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhằm thúc đẩy hoạt động và phát triển số hóa trong ngành nông nghiệp.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thuộc Bộ
Báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết trong năm qua, đơn vị đã kiện toàn, cơ cấu lại và triển khai những công việc vượt qua khuôn khổ đã có của một cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin… để đảm nhận vai trò Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT và là cơ quan phụ trách thống kê, dự báo của ngành.
Về những đề xuất để Trung tâm có thể đóng góp nhiều hơn cho Bộ NN-PTNT nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung cũng như công tác chuyển đổi số trong mọi “ngõ ngách” của ngành nông nghiệp đạt hiệu quả mạnh mẽ hơn, ông Toản đề xuất với Bộ trưởng một số nội dung trong buổi chia sẻ.
Thứ nhất, Trung tâm hướng tới xây dựng những cuộc họp “không giấy tờ” trong các cuộc làm việc của các đơn vị thuộc Bộ. Theo ông Toản, việc này cần sự cố gắng của các bộ phận có liên quan và Cục chuyên ngành, giúp tạo nguồn dữ liệu và giảm khối lượng cho cán bộ công chức hàng ngày, phá bỏ “chiếc bẫy” hành chính vô hình.
Thứ hai, qua khảo sát và đối thoại với các lãnh đạo đơn vị, mỗi Cục chuyên ngành cần hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện cho cán bộ Trung tâm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về cơ sở dữ liệu.
Ông Toản cũng đề xuất thiết kế một trợ lý ảo nhằm đồng bộ hóa và khu trú ngôn ngữ về mặt chuyên môn, giúp cán bộ hiểu đúng về ngôn ngữ của ngành nông nghiệp. Theo đại diện Trung tâm, đây là một đề xuất khả thi, có thể tận dụng nguồn xã hội hóa để thực hiện.
Ông Toản mong muốn sự chia sẻ về mặt học thuật từ các nhà khoa học nông nghiệp thông qua các tọa đàm nhằm đưa nghiên cứu đến gần hơn với thực tiễn. Ngoài ra, phía Trung tâm cũng đề xuất thiết kế thư viện ngành kết hợp không gian sách số với trưng bày sản phẩm để tạo điều kiện việc tra cứu, tham khảo, trao đổi, tọa đàm ở quy mô nhỏ thường xuyên.
Về chiến lược nhân lực cho ngành nông nghiệp, ông Toản cho rằng cũng cần quan tâm đến nhân lực số để chuyển đối số có thể diễn ra sâu rộng về mặt địa lý và tri thức.
Nhận thấy dư địa lớn trong lĩnh vực khuyến nông, ông Toản đề xuất mỗi tổ khuyến nông cộng đồng cần kiến thức, chuyên môn và kỹ năng giúp bà con nông dân về chuyển đổi số. Sức mạnh khuyến nông được phát huy cùng số hóa sẽ giúp giải bài toán về tri thức hóa nông dân.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đề xuất chuyển đổi số cần đồng bộ ngay tại cơ sở tại Bộ và cần sự nhận thức rõ ràng của ngay lãnh đạo, cán bộ các Cục, Vụ.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nêu đề xuất cho công tác chuyển đổi số của Trung tâm và của ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Đan, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết công tác thống kê, dự báo thông tin trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới tích cực xong có một số vấn đề tồn tại cần xử lý.
Đối với câu chuyện về tăng trưởng ngành, thống kê chưa phản ánh hết nỗ lực về cơ cấu ngành nông nghiệp và phản ánh về chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, những con số chưa phản ánh đầy đủ vì còn có loại hình dịch vụ đang nằm trong ngành khác và nhiều nội dung chưa được tính toán như tín chỉ các bon, dịch vụ môi trường rừng…Theo ông Đan, cần có hình thức truyền thông để xã hội nhìn nhận vai trò đóng góp của ngành từ góc độ khác và sẽ tính đến kêu gọi đầu tư.
Về thể chế, ông Đan đề xuất điều chỉnh quy định thống kê ngành để phù hợp với Luật Thống kê. Bên cạnh đó, thống kê cần chất lượng để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác thống kê.
Cần sự sẵn sàng và sẵn lòng
Ghi nhận các ý kiến của lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng thang điểm đánh giá chuyển đổi số cần hai yếu tố đánh giá là “sự sẵn lòng” và “sự sẵn sàng”, ngoài ra cần có một thang đánh giá nhận thức về chuyển đổi số của lãnh đạo đứng đầu đơn vị.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc đầu tư về hạ tầng một cách có kế hoạch và đầu tư về nhân lực đồng bộ là hai yêu cầu thiết yếu. Cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia của đơn vị về chuyển đổi số. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh về cơ chế “tự đào tạo” và “tự học” để vừa học, vừa tương tác và mặt khác có thể nâng cao trình độ chuyên môn một cách đồng đều, tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực có sẵn.
Nhìn ở mặt khác, Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng chuyển đổi số trong lĩnh vực này cũng đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào từ nỗ lực của Bộ NN-PTNT và xã hội (HTX nông nghiệp số, doanh nghiệp số…)
Ngoài ra, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có những tiêu chí cụ thể và xây dựng cốt lõi cho chuyển đổi số phục vụ quản lý cho Cục và Vụ. Ngoài ra cần xây dựng khung để cán bộ thống kê cấp cơ sở có thể tích hợp dễ dàng và dễ theo dõi ở tất cả các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp…
Bài toán công nghệ thông tin chậm do hai yếu tố công nghệ và thông tin thiếu sự kết nối, Bộ trưởng chỉ ra thực trạng cán bộ học về kỹ thuật, công nghệ nhiều mà thiếu chuyên môn về nông nghiệp.
Bộ trưởng yêu cầu ông Nguyễn Quốc Toản tham mưu lãnh đạo Bộ có chuyến kiểm tra sự sẵn sàng và sự sẵn lòng, trước hết của các Cục quản lý nhà nước như Trồng trọt, Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản, Kiểm ngư… trước con đường chuyển đổi số.
“Trước khi có nguồn ngân sách xây dựng trung tâm dữ liệu, kết nối đường truyền, thống kê, thông tin từ phía cơ sở phải được hoàn thiện tốt”, Bộ trưởng yêu cầu.
Ngoài ra, mỗi đơn vị cần tối thiểu một cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nghiệm trở thành chân rết của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp và được đào tạo để theo dõi và phụ trách về vấn đề chuyển đổi số.
Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Trung tâm xây dựng kế hoạch thiết kế không gian chuyển đổi số của Bộ, ngành, kêu gọi sự tham gia của khối Viện trường, tư nhân, hiệp hội… nhằm trao đổi, học hỏi lẫn nhau và cùng xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/