Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác bảo vệ thực vật trên lúa vụ mùa năm 2017 và tập huấn công tác nghiệp vụ tổ chức, thực hiện công tác bảo vệ thực vật ở các tỉnh phía Bắc
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, ngày 27-28/7/2017 Trung tâm bảo vệ thực vật phía Bắc tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả công tác bảo vệ thực vật trên lúa vụ mùa năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác bảo vệ thực vật trên lúa vụ mùa năm 2017 và tập huấn công tác nghiệp vụ tổ chức, thực hiện công tác bảo vệ thực vật ở địa phương” các tỉnh, thành phố trong vùng phía Bắc tại Nam Định.
Dự hội nghị có Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật Bùi Sĩ Doanh, Phó giám đốc sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Đỗ Hải Điền và các Lãnh đạo, Trưởng phòng kỹ thuật của 25 Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh trong vùng phía Bắc.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo đánh giá kết quả công tác BVTV trên lúa vụ mùa 2016, triển khai nhiệm vụ công tác BVTV trên lúa vụ mùa 2017 các tỉnh phía Bắc. Các đại biểu của các Chi cục Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội đã phát biểu tham luận, nêu các vấn đề thuận lợi, khó khăn trong công tác BVTV ở địa phương.
Cục BVTV tổ chức tập huấn công tác chống dịch và văn bản quy phạm pháp luật cho các tỉnh
Các đại biểu đề xuất cần tăng cường thêm các lớp IPM cấp cơ sở nhưng cần chuyển hướng, các nội dung cần thiết thực cho sản xuất, bảo vệ cây trồng và phong phú hơn nữa; tăng cường trang thiết bị phục vụ cho công tác dự tính dự báo; đề xuất sớm xây dựng, ban hành hành lang pháp lý về công tác quản lý phân bón.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để tập huấn, thảo luận tình huống trong công tác chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh và thực hiện các quy định của pháp luật trong ngành BVTV.
Tại Hội nghị, Phó cục trưởng Bùi Sĩ Doanh lưu ý tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường làm cho diễn biến phát sinh, mức độ gây hại của dịch hại khó lường nên các tỉnh theo dõi chặt chẽ để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Phó cục trưởng chỉ đạo các tỉnh tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo sát thực tế đồng ruộng, nhất là ở các cao điểm hại; phối kết hợp tốt với tổ chức chính quyền, các ban, ngành có liên quan. Tổ chức chỉ đạo phòng trừ đạt hiệu quả cao.