Các giải pháp phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

Ngày đăng: 09/03/2011 Lượt xem 4722

Từ khi thực hiện chủ trương “ Đổi mới”, nông nghiệp An Giang đã có bước phát triển vượt bậc. Về sản xuất lúa, đến năm 2008, hệ số sử dụng đất đạt 2,2 vòng/năm, năng suất bình quân 6,23 tấn/ha, sản lượng đạt 3,5 triệu tấn lúa.  Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp có giới hạn và khả năng tăng vụ cũng chỉ đạt tối đa là 3 vụ lúa/năm, sản xuất lúa gần như đã phát triển tối đa theo chiều rộng. Do đó, cần phải có các giải pháp chủ yếu để tiếp tục phát triển nông nghiệp theo chiều sâu trong giai đoạn tới.

  
Tham quan ruộng thí nghiệm kỹ thuật tiết kiệm nước.

Từ tăng năng suất…

Trước nhất, là nhóm giải pháp để đưa năng suất lúa đạt gần tới mức năng suất tiềm năng. Trong thực tế, có một khoảng cách giữa năng suất tiềm năng và năng suất thực tế vì các điều kiện canh tác, đất đai, thời tiết, dịch hại… Năng suất lúa cao sản trong vụ đông xuân có thể đạt đến 8 tấn/ha; trong thực tế, năm 2008 năng suất bình quân là 7,3 tấn/ha, mặc dù con số đó là cao so với các tỉnh trong vùng. Với diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 560.000 tấn, nếu rút ngắn được khoảng cách này được 0,1 tấn/ha thì sản lượng lúa cả tỉnh sẽ tăng lên 56.000 tấn/năm. Để đưa năng suất bình quân lên, cần phải tập trung cải thiện khu vực năng suất thấp. Giải pháp chủ yếu phải tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp. Điều kiện để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả là phải kiện toàn cơ sở hạ tầng: Hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, điện … 

Ngành Nông nghiệp An Giang cũng đã triển khai mạnh mẽ chương trình “ba giảm, ba tăng ” (giảm lượng giống, giảm lượng phân đạm, giảm thuốc trừ sâu rầy) đạt 85% diện tích trồng lúa năm 2008, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nhân giống lúa. Diện tích sản xuất giống hàng năm đạt trên 12.000 ha đủ cung ứng cho trên 90% diện tích trồng lúa trong tỉnh. Năm 2009, Sở Nông nghiệp &PTNT đã ký kết chương trình hợp tác phát triển chương trình “một phải, năm giảm” 2009-2012 (phải sử dụng giống xác nhận, thêm hai giảm là giảm nước và giảm thất thoát sau thu hoạch) với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI). Về cơ sở hạ tầng, Sở Nông nghiệp &PTNT cũng tích cực tham mưu cho UBND Tỉnh xây dựng 11 vùng thủy lợi mẫu và đề án phát triển trạm bơm điện 2008-2012. Đến nay, đã thực hiện khảo sát xong 11 vùng; phát triển trạm bơm điện trong 2 năm 2008-2009 cơ bản đạt kế hoạch đề ra.

Đến nâng cao giá trị:

Trong nền kinh tế thị trường, thương hiệu cũng làm tăng thêm giá trị. Vấn đề hiện nay là Việt Nam xuất khẩu lượng gạo lớn nhưng giá luôn thấp hơn gạo của các nước như Thái Lan vài chục USD/tấn, có nguyên do là gạo chúng ta chưa có thương hiệu và chất lượng chưa ổn định. Trên thị trường nội địa, gạo đóng gói có nhãn hiệu bày bán ở các siêu thị cũng có giá cao hơn gạo cùng loại ở các sạp khoảng 20%. Do đó, điều cần làm là xây dựng thương hiệu lúa gạo trên cơ sở  chuẩn hóa chất lượng lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều kiện là doanh nghiệp có chiến lược xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao tham gia “Liên kết bốn nhà”, cụ thể là tham gia chuỗi giá trị, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến.

Ngành Nông nghiệp đang phối hợp địa phương triển khai dự án xây dựng chất lượng thương hiệu gạo An Giang, trong đó chủ yếu là xây dựng 3 mô hình áp dụng tiêu chẩn GLOBALGAP cho nếp Phú Tân ở xã Phú Thạnh, lúa thơm Jasmine ở xã Bình Chánh - Châu Phú và lúa chất lượng cao hạt dài ở xã Vĩnh Khánh- Thoại Sơn, mỗi mô hình khoảng 30 ha. Tiêu chuẩn này được Châu Âu và hầu hết các nước trên thế giới chấp nhận, nhằm bảo đảm an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, môi trường và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Dự án đã thực hiện xong việc khảo sát, tổ chức bộ máy quản lý tổ hợp tác nông dân, tập huấn chuyên môn cho cán bộ và nông dân; hoàn tất quy trình sản xuất lúa và chính thức ban hành. Sau khi được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn GLOBALGAP, dự án sẽ mở rộng trên địa bàn tùy theo yêu cầu của thị trường. Mục tiêu phấn đấu của dự án là sẽ đạt chứng nhận quốc tế sớm vào cuối vụ đông xuân 2009-2010. Để xúc tiến liên kết dọc theo chuỗi giá trị, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tích cực tác động Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật, Công ty ANGIMEX, Công ty ADC tham gia chuỗi giá trị, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vùng dự án với giá cả cao hơn giá thị trường.

Phát triển nông nghiệp theo chiều rộng và cần có các giải pháp theo chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, là vấn đề cần phải thực hiện đối với nền nông nghiệp tỉnh nhà.

     Thạc sĩ ĐOÀN NGỌC PHẢ

(Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang)

Tin liên quan

123movies