Từ Nha Nông Chính đến Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
Ngày 8/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 62 thành lập Nha Nông Chính trực thuộc Bộ Canh Nông, tiền thân của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ngày nay. Trải qua 79 năm phát triển, ngành trồng trọt đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước.
Nguyên Thứ trưởng Ngô Thế Dân trao huân chương lao động hạng Ba cho Cục Khuyến nông, khuyến lâm (Năm 1998)
Những thành tựu nổi bật
• An ninh lương thực: Sản lượng lương thực năm 2024 đạt 48,1 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đạt 43,7 triệu tấn với năng suất 61,4 tạ/ha.
• Xuất khẩu nông sản: Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD, trong đó sản phẩm trồng trọt đạt 32,8 tỷ USD.
• Chuyển đổi cơ cấu sản xuất: Triển khai thành công các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển giống mới, xây dựng hệ thống khuyến nông và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.
• Mô hình nông nghiệp công nghệ cao:
o Mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng công nghệ 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, sử dụng drone, giúp giảm 20% nước, 30% phân bón, 50% thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất 10-20% và thu nhập 15-20%.
o Mô hình 5.000 ha nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng sử dụng nhà màng, tưới tiết kiệm, tăng năng suất 30-40% và giá trị nông sản gấp 2-3 lần so với phương pháp truyền thống.
Cơ giới hóa thu hoạch lúa trong mô hình của Đề án 1 triệu ha lúa tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi - Ảnh: VGP/LS
Sử dụng máy bay không người lái trong việc canh tác, chăm sóc cây trồng

Trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới phục vụ xuất khẩu
Định hướng phát triển giai đoạn 2026 – 2045 1. Điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp: Cập nhật quy hoạch trồng trọt phù hợp với thay đổi địa giới hành chính, định hình lại vị thế các vùng sản xuất, hướng tới phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Cân đối thương mại nông sản: Đảm bảo cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu nông sản, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), phát triển thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt tại các vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
3. Phát triển nông nghiệp thông minh: Chuyển đổi từ nông nghiệp công nghệ cao sang nông nghiệp thông minh bằng cách đào tạo nguồn nhân lực số, ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây (Cloud Computing) để tối ưu hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng.
Với nền tảng vững chắc từ quá khứ và định hướng chiến lược cho tương lai, ngành trồng trọt Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế.
TS. Lê Hưng Quốc