Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên phong phú, trải dài từ Bắc xuống Nam, tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái thuận lợi để phát triển đa dạng các loại cây ăn quả từ nhiệt đới, cận nhiệt tới ôn đới. Nhờ vào chính sách đổi mới và tái cơ cấu nông nghiệp hợp lý trong gần 40 năm qua, ngành trồng trọt – đặc biệt là cây ăn quả – đã có bước tiến vượt bậc, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với giá trị trên 7,1 tỷ USD năm 2024.
Tây Bắc – Vùng đất màu mỡ cho cây ăn quả phát triểnTrong bức tranh phát triển nông nghiệp chung, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (TDMNPB) nổi lên là khu vực có tốc độ tăng trưởng diện tích cây ăn quả ấn tượng. Từ năm 2014 đến 2024, diện tích trồng cây ăn quả tại khu vực này tăng trung bình 5,7% mỗi năm, cao hơn so với mức trung bình toàn quốc (5,3%). Năm 2024, vùng TDMNPB đạt 270 nghìn ha diện tích cây ăn quả, chiếm gần 60% toàn miền Bắc và hơn 21% so với cả nước – trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ hai trên cả nước, chỉ sau Đồng bằng sông Cửu Long.
Sơn La – “Thủ phủ” cây ăn quả miền BắcTrong số các địa phương thuộc vùng TDMNPB, Sơn La là điểm sáng nổi bật. Nhờ định hướng đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng sản xuất và chế biến, cùng với ứng dụng kỹ thuật và khoa học công nghệ tiên tiến, các mô hình hợp tác xã mới được thành lập và vận hành hiệu quả..., Sơn La đã vươn lên trở thành tỉnh trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai toàn quốc, chỉ sau Tiền Giang.
Tỉnh hiện sở hữu nhiều loại trái cây chủ lực như chuối, nhãn, xoài, bơ – đứng đầu các tỉnh phía Bắc về sản lượng – bên cạnh các loại cây ôn đới như mận, mơ, đào và dâu tây, vốn là lợi thế vùng đất này.
Sự phát triển cây ăn quả ở Sơn La không chỉ góp phần nâng cao giá trị ngành trồng trọt mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt hơn là việc bảo vệ môi trường chống xói mòn và rửa trôi trên đất dốc.
Những cánh đồng chè tại Mộc Châu, Sơn La
Mùa hồng chín tại Sơn La
Những thách thức và định hướng phát triển bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, sản xuất cây ăn quả tại Sơn La cũng đối mặt với không ít khó khăn như biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao từ thị trường xuất khẩu, và cạnh tranh từ các địa phương phát triển cây ăn quả khác.
Tại hội nghị tổng kết hơn 10 năm phát triển cây ăn quả, nhiều giải pháp quan trọng đã được đề xuất để giúp tỉnh tiếp tục phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới:
• Phát triển hiệu quả gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ: Mở rộng liên kết với doanh nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm và kết nối thị trường.
• Rải vụ và liên kết vùng: Tối ưu hoá thời vụ thu hoạch, phát triển chuỗi giá trị vùng liên kết bền vững.
• Kết hợp nông – lâm sinh thái: Xây dựng các mô hình canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường, kết hợp du lịch sinh thái.
• Ứng dụng khoa học – công nghệ cao: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, canh tác thông minh, chuyển đổi số trong quản lý vùng trồng.
• Chuẩn hóa quy trình sản xuất: Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải carbon.
• Truy xuất nguồn gốc – minh bạch hóa chuỗi cung ứng: Quản lý mã số vùng trồng, tăng cường kiểm soát chất lượng từ trang trại tới xuất khẩu.
Tự tin hướng tới tương laiVới những thành tựu trong 10 năm qua cùng quyết tâm cao của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của doanh nghiệp và đặc biệt là tinh thần đồng lòng của người nông dân, ngành cây ăn quả Sơn La đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững tại miền Bắc và cả nước.