Thuốc bảo vệ thực vật dành cho cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP

Ngày đăng: 13/05/2014 Lượt xem 10151


Nhằm quản lý dịch hại cây trồng một cách bền vững, các tổ chức quốc tế (UNEP, FAO, WHO) đã và đang giúp các nước đang phát triển ở khu vực ASEAN và trên thế giới áp dụng biện pháp quản lý sản xuất nông nghiệp tối ưu theo hệ thống tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practice), giảm sự lệ thuộc phân hóa học và thuốc BVTV. 

 
Tính đến năm 2000, nước ta có trên 400.000 nông dân được tập huấn và khoảng 1.500 giảng viên đào tạo về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Những biện pháp sinh học áp dụng kết hợp trong kỹ thuật canh tác như dùng ong ký sinh thiên địch chuyên tính, các loài ăn thịt hỗ trợ (kiến vàng) giảm dịch hại cho cây trồng hoặc biện pháp bất dục đực làm hạn chế sinh sản. Bao trái, sử dụng nước bơm cao áp… cũng làm giảm áp lực dịch hại trong vườn cây. Đồng thời, cần bố trí mật độ cây trồng trong vườn phù hợp, bón nhiều phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ và các loại hóa chất nông dược gây ô nhiễm đất canh tác, nguồn nước tưới hoặc sinh vật có hại phát triển dẫn đến dư lượng chất độc trong trái cây vượt ngưỡng cho phép. Tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ 2004, có 4 trong 30 mẫu trái ngon đạt giải còn dư lượng thuốc BVTV cao hơn mức qui định. Hội thi năm 2005, nông dân mang 242 mẫu trái đến dự thi, chỉ chọn được 20 mẫu trái ngon đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, trong đó có 2 mẫu trái ngon còn dư lượng thuốc BVTV. 
 
Thạc sĩ Lê Quốc Điền-Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, giới thiệu một số loại thuốc BVTV để nông dân có thể sử dụng phun cho vườn cây ăn trái an toàn như: Vi sinh Trichoderma sp hiệu quả trong phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ cây; Aizabin WP, Aztron DF, Biobit 32FC, Dipel 6.4 DF, Jiabat 15WDG, Kuraba WP, Sucessess 25EC, Vineem 1500EC... phòng trừ côn trùng gây hại trái; sâu ăn lá có thể dùng dây thuốc cá, xoan ta, hạt na, hạt củ đậu...; Stop 5DD, Stop 15WP, hạt neem phòng trừ tuyến trùng; sử dụng pheromon dẫn dụ diệt con đực như Methyl eugeneol 85% để phòng trừ ruồi đục trái hoặc SOFRI protein 10DD; dầu khoáng (SK Enspray 99EC) phòng trừ các loài nhện, bọ trĩ, rệp sáp rất hữu hiệu; Decis, Cypermethrin... thuộc nhóm cúc (pyrethroid) nên phun 7 ngày trước khi thu hoạch; nhóm thuốc Abacmetin cần có thời gian cách ly an toàn theo qui định. Các loại thuốc trên sử dụng trong biện pháp IPM để phòng ngừa côn trùng sâu bệnh phát triển thành dịch, bảo vệ các côn trùng có ích và vi sinh vật có lợi trong môi trường tự nhiên, hạn chế sâu bệnh thứ cấp trở thành sâu bệnh chính trong vườn cây ăn trái. 
 
Giải pháp cấp bách hiện nay là quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tạo ra số lượng hàng lớn, có biện pháp phòng trừ dịch hại cho từng loại cây trồng ở mỗi vùng đất canh tác; thường xuyên tập huấn cho nông dân về kiến thức sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV; trang bị thêm kiến thức cho nhà vườn về áp dụng IPM trên cây ăn quả; tăng cường kiểm tra việc mua bán và sử dụng các loại thuốc BVTV bị cấm hoặc hạn chế phun xịt trên cây ăn trái; chọn đúng loại nông dược phù hợp tiêu chí sản xuất trái cây an toàn theo hướng tiêu chuẩn GAP qui định; tổ chức kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên trái cây tại các chợ đầu mối trong từng khu vực và cả nước.

 

Tin liên quan

123movies