Mỹ: Côn trùng gây hại cho ngành trồng cam quýt tại Florida
Có những khu vực có tới 75% diện tích trồng cam đang bị nhiễm bệnh vàng lá. Bệnh do một loài rầy châu Á làm môi giới truyền bệnh. Loài rầy này mang theo vi khuẩn và lây truyền sang cây sau khi rầy ăn lá của cây có múi. Bệnh này sẽ bịt kín hệ thống mạch của cây. Trái cây bị rụng và cây chết từ từ.
Loài rầy này không phải có nguồn gốc từ Florida và được cho là đã xâm nhập từ châu Á. Rầy được phát hiện lần đầu trong tiểu bang vào năm 1998 và dịch bệnh lan truyền qua những cơn gió bão. Bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện năm 2005, không có cách chữa cho bệnh này và không một quốc gia nào tiêu diệt được bệnh.
Nông dân trồng cam quýt ước tính họ phải chi 2.000 USD cho chi phí sản xuất, mức tăng gấp đôi so với 10 năm trước đây. Hầu hết chi phí dành cho việc cung cấp chất dinh dưỡng và phun thuốc để cố gắng kiểm soát rầy. Các cây không thể sống sót được đem đốt tiêu hủy.
Gần như tất cả những vườn cây có múi của tiểu bang bị ảnh hưởng bởi bệnh váng lá gân xanh ở mức độ khác nhau. Florida đứng thứ hai thế giới sau Brazin về trồng cam quýt, cung cấp khoảng 80% lượng cam quýt ở Mỹ. Vụ mùa vừa qua, bang đã sản xuất được 104 triệu thùng cam. Năm 2003, hai năm trước khi bệnh vàng lá gân xanh được phát hiện và trước khi nhiều trận bão tàn phá mùa màng, sản lượng cam quýt là 243 triệu thùng.
Ủy viên Nông nghiệp Adam Putnam cho biết: “Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của bang”.
Các chuyên gia cho biết nếu không có giải pháp, toàn bộ ngành trồng cam quýt của Florida có thể sụp đổ. Các quan chức lo ngại rằng một số cơ sở đóng gói và nhà máy chế biến sẽ phải đóng cửa vì thiếu trái cây. Điều này gây ảnh hưởng đến 75.000 người làm việc trong ngành.
Một số nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về cây có múi hiện đang nỗ lực nghiên cứu về dịch bệnh vàng lá gân xanh tại Trung tâm Nghiên cứu Cây có múi Florida. Các nhà nghiên cứu hiểu rõ rằng không có biện pháp tiêm hoặc phun thuốc nào có thể dập tắt dịch bệnh ngay lập tức. Vì vậy, họ tập trung vào hai mảng: một cách giải quyết ngắn hạn giúp các cây mắc bệnh có thể tồn tại và một giải pháp lâu dài là lai tạo giống cây kháng bệnh trong vòng 3-5 năm nữa.
Giáo sư Grosser và Gmitter đã phát hiện ra rằng một giống cam khi ghép vào một loại gốc ghép đặc biệt dường như có tính kháng bệnh vàng lá gân xanh tốt hơn. Những cây như thế này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý dịch bệnh.
Từ năm 2008, 90 triệu USD đã được chi cho nghiên cứu về bệnh vàng lá gân xanh. Đạo luật Nông nghiệp liên bang năm 2014 cũng dành 125 triệu USD cho nghiên cứu này. Một nhóm các nhà nghiên cứu tư nhân cũng đang nghiên cứu lai tạo ra giống cam quýt kháng bệnh vàng lá gân xanh với với DNA từ rau bina.
Người trồng cam quýt California cũng đang gánh chịu những hậu quả của dịch bệnh. Rầy đã được tìm thấy ở những nơi khác nhau trên toàn tiểu bang và bệnh được phát hiện ở Los Angeles vào năm 2012. Các nhà nghiên cứu California cũng đang thực hiện các thí nghiệm của riêng mình. Ở Texas, dịch bệnh cũng đã xuất hiện.
Theo phys.org/mard.gov.vn