Hướng đến nền nông nghiệp giảm khí thải tại An Giang

Ngày đăng: 20/07/2011 Lượt xem 1257

Với quy mô 100 héc-ta, năm mô hình canh tác nhằm so sánh hiệu quả kinh tế và lượng phát thải khí mê-tan (CH4) giữa các mô hình kỹ thuật để chọn ra mô hình hiệu quả nhất giới thiệu cho sản xuất lúa ở ĐBSCL. Năm mô hình được thí nghiệm và bố trí ngẫu nhiên tại nhiều hộ tham gia gồm: Tưới ngập khô xen kẽ, tưới đủ ẩm, quản lý phân đạm theo bảng so màu lá, sử dụng trichoderma và phân vi sinh hữu cơ, canh tác đối chứng (ngập liên tục, bón nhiều phân và sạ dày). Số liệu sinh trưởng của cây lúa, năng suất lúa, thiệt hại do sâu bệnh, lấy mẫu khí thải và phân tích lượng phát thải được thực hiện định kỳ mỗi tuần. Các chi phí sản xuất của mỗi hộ được ghi chép vào sổ “Nhật ký nông hộ” để tổng kết và so sánh chi phí giữa các mô hình.

Đánh giá bước đầu tại cuộc họp Ban Quản lý dự án tỉnh An Giang ngày 12-5-2011 tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự án đã báo cáo kết quả thử nghiệm trong vụ lúa đông xuân 2010-2011 cho thấy: Mô hình ngập khô xen kẽ kết hợp bón phân theo bảng so màu lá đã giảm lượng CH4 phát thải 31,6% so với đối chứng; năng suất lúa của các mô hình tăng trung bình 2,7%; tiết kiệm 2-2,5 đợt bơm tưới và tăng lợi nhuận 19,2-32,7% (5-8 triệu đồng/héc-ta) so với mô hình truyền thống (ngập liên tục). Mặc dù, thí điểm vụ đầu tiên nông dân tham gia chưa áp dụng đúng quy trình, nhưng kết quả bước đầu đã chỉ ra sự giảm phát thải CH4 rất ý nghĩa. Dự án cho biết thêm, nếu mô hình được phát triển trên diện tích rộng không chỉ nông dân được lợi từ giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa mà có thể đăng ký bán chứng chỉ giảm lượng khí thải cho thị trường carbon-tự nguyện (VM) sẽ tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Thành tựu bước đầu của dự án đã được UBND tỉnh rất quan tâm và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Quản lý dự án tỉnh) lập kế hoạch hợp tác với dự án và chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh triển khai các hoạt động trong vụ hè thu 2011 và năm 2012. Cụ thể như đầu tư và mở rộng dự án trong năm 2012; triển khai chương trình truyền thông về canh tác ít khí thải nhà kính cho cán bộ khuyến nông cấp huyện, xã và tổ chức tập huấn, hội thảo cho 400 nông dân canh tác lúa của huyện Châu Thành (trong đó có xã Vĩnh Hanh – vùng dự án dự kiến mở rộng) để hiểu biết về canh tác lúa ít phát thải; chuẩn bị dự án trang bằng mặt ruộng bằng định vị tia laser cho vùng dự án 300 héc-ta tại xã Bình Hòa; hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu và giao thông nội đồng; thực hiện thử nghiệm mô hình “1 phải, 5 giảm” và mở rộng diện tích canh tác khoảng 300 héc-ta trong năm 2012 theo quy trình giảm khí thải và nhằm chuẩn hóa mô hình kỹ thuật canh tác từ chương trình “1 phải, 5 giảm” hướng đến sản xuất theo định hướng phát triển nông nghiệp xanh - ít carbon của Bộ NN&PTNT Việt Nam.

Dự án canh tác lúa ít khí thải nhà kính (VLCRP) đang triển khai tại tỉnh An Giang mang tính tiên phong ở Việt Nam, và dự án này đang đi đúng xu hướng của thế giới hy vọng được các tỉnh quan tâm, tham gia triển khai trên diện rộng tại ĐBSCL trong những năm tới.

Bài, ảnh: Tiến sĩ HUỲNH QUANG TÍN, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL.

                                                              (Nguồn Báo An Giang điện tử, ngày: 19/07/2011)

Tin liên quan

123movies