Thực hiện tốt nguyên tắc "1 phải, 5 giảm" để hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất

Ngày đăng: 20/06/2011 Lượt xem 1603

Theo đánh giá của các nhà khoa học, thời điểm này, tình hình dịch bệnh (rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá) gây hại lúa diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến vụ mùa. Để giúp bà con nông dân chủ động phòng trừ dịch bệnh gây hại, được vụ mùa bội thu, Tiến sĩ Lương Minh Châu, Trưởng Bộ môn Côn trùng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết:

- Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay, bà con đã xuống giống vụ lúa hè thu trên 1,4 triệu ha; trong đó, diện tích lúa ở các giai đoạn mạ là 279.295 ha, đẻ nhánh là 407.264 ha, đòng trổ là 420.531 ha, chín là 228.651 ha; diện tích lúa thu hoạch chiếm 134.352 ha. Tính đến ngày 3-6-2011, diện tích lúa hè thu ở ĐBSCL bị nhiễm rầy nâu trong tuần là 22.345 ha (tăng 10.354 ha so với tuần trước); riêng diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá khoảng 3.615,3 ha (giảm 7.221,5 ha so với tuần trước), do thu hoạch. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân. Thực tế, qua nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, trong năm sẽ có 2 đợt đỉnh điểm dịch bệnh xảy ra (nhất là rầy nâu) trên diện tích lúa ở ĐBSCL vào khoảng tháng 1- 2 và tháng 7-8.

Một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh (rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá) là do nông dân xuống giống vụ lúa không đúng lịch thời vụ đã được khuyến cáo. Nông dân xuống giống xuân hè quá sớm trong tháng 2 và xuống giống liên tục trong tháng 3-2011. Thời điểm này trùng khớp với lúc rầy di trú ở mật độ cao vào cuối vụ, lên đến hàng triệu con/bầy (tháng 2) và hàng trăm ngàn con (tháng 3). Bên cạnh đó, do việc xử lý giống của bà con chưa tốt và việc phát hiện rầy nâu, diệt trừ rầy chưa triệt để...; việc phun xịt thuốc cũng không tuân theo khuyến cáo, không theo nguyên tắc “4 đúng” nên mật độ rầy xuất hiện nhiều hơn...

* Thưa Tiến sĩ, vậy các tỉnh, thành ĐBSCL cần có những giải pháp gì để khắc phục dịch bệnh trên ruộng lúa?

- Để phòng chống bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, các tỉnh, thành ĐBSCL cần tăng cường cán bộ kỹ thuật để chỉ đạo điều tra, khoanh vùng diện tích và mức độ lúa bị nhiễm bệnh để ngăn chặn dịch bệnh. Ví dụ như ở tỉnh Đồng Tháp, một cán bộ phải phụ trách một xã nên xã nào có dịch bệnh xảy ra, cán bộ đó hoàn toàn chịu trách nhiệm. Do vậy, Đảng và Nhà nước cần phải củng cố mạng lưới cán bộ kỹ thuật. Tăng cường công tác truyền thông cho bà con nông dân về việc thâm canh, tăng vụ phù hợp. Kế đó là tập trung diệt rầy mang mầm bệnh, nhất là đợt rầy cao xuất hiện vào thời điểm tháng 6 và cuối tháng 7; cần cập nhật diễn biến rầy nâu gây hại trên lúa và trên các bẩy đèn để xây dựng lịch thời vụ xuống giống, né rầy hợp lý. Ngoài ra, nông dân tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ, tốt nhất là kết thúc xuống giống chậm nhất vào giữa tháng 6. Các cơ quan chuyên môn cần điều tra diện tích nhiễm rầy nâu và vàng lùn, lùn xoắn lá, đánh giá mức độ thiệt hại và có kế hoạch nhổ hủy, chăm sóc, bón phân phục hồi cho trà lúa một cách hợp lý. Sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, áp dụng IPM trên cây lúa cùng các biện pháp thâm canh tiên tiến khác, như: “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm”.

 
 

Hiện nay, diện tích đất trồng lúa ngày càng giảm nên để tăng thêm 1 triệu tấn lúa trong năm nay theo kế hoạch của Chính phủ thì nông dân phải tăng thâm canh; điều này khiến rầy nâu có nguy cơ xuất hiện nhiều hơn. Nông dân có thể tăng năng suất lúa và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả, với điều kiện là có sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn, chính quyền địa phương, như: hỗ trợ chi phí xây dựng đê bao chuẩn, tăng cường nhân lực khuyến nông hỗ trợ chuyên môn cho người dân, cơ giới hóa trong sản xuất... Đặc biệt là cần quan tâm hỗ trợ những vùng khó khăn, chẳng hạn tại TP Cần Thơ có một số xã ở huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

* Sắp tới, Viện Lúa ĐBSCL sẽ có những nghiên cứu mới gì để phục vụ cho việc phòng, trừ dịch bệnh gây hại lúa, thưa Tiến sĩ?

- Những năm qua, Viện Lúa ĐBSCL đã thực hiện một số nghiên cứu ứng dụng thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có những đề tài thuộc Bộ môn côn trùng, như: Thanh lọc tính kháng rầy nâu của các dòng - giống lúa; thanh lọc tính kháng sâu đục thân; nghiên cứu phản ứng sâu bệnh của các giống lúa hoang; qui trình phòng trừ sâu hại cho giống lúa xuất khẩu; qui trình sản xuất rau an toàn... Tuy vậy, việc nghiên cứu loại giống lúa kháng rầy vẫn chưa nhiều. Hiện nay, bộ môn đang thực hiện một số đề tài cấp bộ, như: Nghiên cứu nâng cao quy trình quản lý dịch hại tổng hợp cho các giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu tại ĐBSCL; nghiên cứu tính kháng và biện pháp phòng trừ một số sâu hại chính trên lúa; xây dựng quy trình bảo vệ thực vật cho vùng lúa-tôm, lúa-cá;... Những nghiên cứu này sẽ góp phần hỗ trợ nông dân hạn chế thất thoát trên ruộng lúa, phòng trừ dịch bệnh nhằm mang lại hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

B.KIÊN (Thực hiện)

Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/

Tin liên quan

123movies