Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2025

Ngày đăng: 18/07/2025 Lượt xem 136
Ngày 18/7/2025, tại trụ sở số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (gọi tắt là Cục) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2025 nhằm đánh giá các kết quả công tác của Cục trong 6 tháng đầu năm 2025, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vượt qua các thách thức trong thực tiễn quản lý để dẫn dắt ngành đạt được các mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Thứ trưởng Hoàng Trung đã đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Sáu tháng đầu năm 2025 là giai đoạn nhiều biến động với ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật nói riêng. Dịch bệnh diễn biến khó lường, thời tiết bất thường, cùng với quá trình sáp nhập đơn vị hành chính và chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp đã tạo áp lực lớn cho công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, toàn ngành đã chủ động phân cấp mạnh về địa phương, bám sát sản xuất và điều hành linh hoạt, từ đó cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra trong nửa đầu năm.

Báo cáo 6 tháng đầu năm của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy, tổng diện tích gieo trồng cả nước đạt 33,33 triệu ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoảng 29 triệu ha là các loại cây trồng chủ lực. Giá trị xuất khẩu nông sản đạt khoảng 18,13 tỷ USD, tăng 16,8%, cho thấy nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế.

Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt đánh giá kết quả trên là minh chứng cho khả năng chống chịu, duy trì tăng trưởng cao của ngành, bất chấp thời tiết cực đoan, dịch bệnh...


Quang cảnh Hội nghị

Vụ đông xuân năm nay gieo cấy hơn 2,97 triệu ha lúa, năng suất ước đạt 68,5 tạ/ha, cho sản lượng khoảng 20,4 triệu tấn. Vụ hè thu cũng đạt kết quả tích cực với trên 1,7 triệu ha xuống giống, tăng 1,8%. Diện tích cây lâu năm đạt 3,823 triệu ha, tăng hơn 48.000 ha, tập trung vào cây ăn quả và cây công nghiệp.

Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Cà phê xuất khẩu đạt hơn 950.000 tấn, mang về 5,45 tỷ USD, tăng tới 67,5% giá trị. Gạo xuất khẩu đạt 4,9 triệu tấn, tăng 76%. Hạt điều đạt kim ngạch 2,36 tỷ USD, tăng 20,4%, hạt tiêu đạt gần 860 triệu USD, tăng 35,7%. Cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.

Thành công này, theo lãnh đạo Cục, đến từ sự điều hành kịp thời và phối hợp đồng bộ trong phòng, chống sinh vật gây hại. Cơ quan chuyên môn đã theo dõi sát diễn biến dịch hại, chủ động cảnh báo và triển khai biện pháp kiểm soát sớm. Cục cũng tham mưu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và hỗ trợ hạt giống từ nguồn dự trữ quốc gia cho các vùng bị thiên tai.

Trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, hoạt động xuất nhập khẩu được tổ chức hiệu quả, góp phần ngăn chặn dịch hại xâm nhập và đáp ứng yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu.

Đến nay, đã có 866 tài khoản doanh nghiệp Việt được đăng ký trên hệ thống của Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo quy định Lệnh 248. Cả nước hiện có 8.937 mã số vùng trồng và 1.728 mã số cơ sở đóng gói, riêng 6 tháng đầu năm đã cấp mới 855 mã vùng trồng và 132 mã cơ sở đóng gói.

Cục cũng đẩy mạnh phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học, với 28 loại thuốc mới được đăng ký trong kỳ. Đề án phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ tiếp tục mở rộng với 429 mô hình được xây dựng, tổng diện tích triển khai trên 10.000 ha cây trồng chủ lực.

Một dấu ấn quan trọng trong nửa đầu năm là việc triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL. Riêng trong năm 2025, diện tích đăng ký thực hiện đề án đã vượt 312.000 ha. Bên cạnh đó, Cục đã ký thành công hai nghị định thư kiểm dịch thực vật để mở cửa thị trường Trung Quốc cho sản phẩm chanh leo và ớt tươi xuất khẩu. Đây là bước tiến quan trọng giúp mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt.

Định hướng 6 tháng cuối năm, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xác định trọng tâm là hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong thực tiễn sản xuất và xuất khẩu. Cùng với đó là tăng cường chỉ đạo sản xuất, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành.

Cục sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường nông sản tại các quốc gia trọng điểm, nâng cao chất lượng giống, vật tư và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Những nỗ lực này, theo lãnh đạo Cục, thể hiện quyết tâm của ngành trong việc giữ vững đà tăng trưởng, hiện đại hóa chuỗi giá trị nông sản và nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ đạo "Phải gấp rút xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế. Trong đó, trọng tâm là sửa Luật Trồng trọt và Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật”

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng chỉ đạo toàn hệ thống trồng trọt, bảo vệ thực vật tập trung triển khai nghiêm túc các Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 của Trung ương. Đây là những nghị quyết có mối liên hệ chặt chẽ với ngành, mở ra nhiều không gian và nguồn lực phát triển. Các đơn vị cần chủ động nghiên cứu, vận dụng để khơi thông tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng thực chất, gắn với hiện đại hóa và bảo vệ môi trường.

Việc hai Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sáp nhập thành một đơn vị cũng là cơ hội để phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả điều hành và tổ chức thực thi nhiệm vụ. Thứ trưởng kỳ vọng toàn ngành tiếp tục đoàn kết, chung sức vượt qua giai đoạn chuyển tiếp đầy thách thức, bắt đầu từ tinh thần trách nhiệm của mỗi cấp ủy và thủ trưởng đơn vị.

Báo Nông nghiệp Việt Nam


Tin liên quan

123movies