Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam

Ngày đăng: 04/12/2023 Lượt xem 778
Ngày 4 tháng 12 năm 2023, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (PPD), Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (SFRI) và Công ty TNHH Yara Việt Nam (Yara Việt Nam) tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2024 – 2026, nhằm tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các bên vì mục tiêu hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Sự kiện có sự tham dự của ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (PPD), ông Trần Minh Tiến - Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (SFRI), bà Trần Ngọc Thanh Trúc - Tổng Giám đốc Yara Việt Nam cùng đại diện các phòng, ban của ba đơn vị.  Công ty TNHH Yara Việt Nam là doanh nghiệp thứ 24 ký kết với Cục BVTV để cùng đồng hành phát triển phân bón hữu cơ, hỗ trợ tập huấn nông dân, sản xuất tại chỗ quy mô nông hộ, xây dựng mô hình mẫu trên các trồng chủ lực như lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp ...

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất và sử dụng phân bón theo hướng bền vững, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và các địa phương thực hiện triển khai Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV ngày 07/01/2020 về tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ và Chỉ thị 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/01/2022 về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả đã được xây dựng, với diện tích trên 15.000 ha tại nhiều tỉnh trong cả nước. Trong đó, lúa 5.742 ha, rau màu 3.742 ha, cây ăn quả, cây công nghiệp 2.725 ha, chè 2.660 ha và các cây trồng khác và  tập huấn cho hàng chục nghìn nông dân về sử dụng phân bón hữu cơ và sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức 24 lớp tập huấn có lồng ghép hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón theo nguyên tắc “5 đúng” cho 1.829 học viên là cán bộ chuyên môn thuộc Cục và cán bộ chuyên môn ở địa phương. 




Một số hình ảnh tại Lễ Ký kết
Trong lần ký kết này, cả ba đơn vị đều công nhận tầm quan trọng việc phối hợp, hợp tác và phát huy thế mạnh của các bên với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Theo đó, các bên cùng phối hợp phát triển các mô hình sản xuất cây trồng bền vững, trong đó ưu tiên ứng dụng các giải pháp quản lý dinh dưỡng cây trồng phù hợp (sử dụng phân bón “5 đúng”: đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách; sử dụng kết hợp hiệu quả giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ,…). Cây trồng đầu tiên được ứng dụng là mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng bền vững tại tỉnh Đắk Nông.
Các bên cùng phát triển và khuyến cáo các giải pháp về kỹ thuật canh tác, quản lý sức khỏe cây trồng, quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập của người sản xuất, an toàn đối với người sản xuất và người tiêu dùng, đóng góp vào phát triển nông nghiệp bền vững cũng như góp phần giảm khí thải carbon để giảm thiểu tác động của sản xuất nông nghiệp đến hệ sinh thái tự nhiên.
Các hoạt động cụ thể sẽ được thảo luận và lên kế hoạch chi tiết theo từng năm và có thể mở rộng ra các cây trồng chủ lực khác ở vùng khác nhau tùy theo điều kiện thực tế. Mục tiêu cụ thể là xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả tiêu biểu trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025  gồm: lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn (theo Quyết định 4324/QĐ-BNN-BVTV ngày 09/11/2022 về thực hiện tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả giai đoạn 2022 – 2025). 


Tin liên quan

123movies