Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai 2021
Ngày 22/4/2021, Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật đã tham dự và chủ trì Hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2021” cùng lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai và UBND huyện Krông Pa.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật chủ trì hội nghị
Gia Lai là tỉnh có vùng nguyên liệu sắn lớn của nước ta. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, bệnh khảm lá virus hại sắn đã xuất hiện trên diện khá rộng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và chế biến sắn trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, đại biểu đến từ các huyện trọng điểm trồng sắn của tỉnh đã đánh giá nguyên nhân, đưa ra giải pháp và bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn trong thời gian qua.
Phó cục trưởng Nguyễn Quý Dương phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Quý Dương - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng: “Từ trung ương đến địa phương đều đã rất nỗ lực trong công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn, tuy vậy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trong bối cảnh hiện nay, sử dụng giống sạch bệnh, giống kháng bệnh và kiểm soát quá trình vận chuyển giống nhiễm bệnh là giải pháp hiệu quả nhất”.
TS. Vũ Văn Khuê - Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã đưa ra đề xuất định hướng và giải pháp nhân nhanh giống sắn kháng bệnh phục vụ sản xuất ở tỉnh Gia Lai. Trước mắt 2 giống sắn HN3 và HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn tốt, mặc dù được trồng trực tiếp trên đồng ruộng nơi có áp lực bệnh rất cao như Tây Ninh. Các giống này cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với giống KM140 và KM419 (được trồng phổ biến hiện nay).
Phó cục trưởng Nguyễn Quý Dương cho biết để đưa nhanh các giống sắn kháng bệnh khảm sắn lá vào sản xuất, cần có sự phối hợp và tận dụng hết các nguồn lực sẵn có ở các Viện, Trung tâm nghiên cứu và địa phương. Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình áp dụng giống sắn kháng bệnh khảm lá sắn; đề nghị Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam xây dựng phương án, kế hoạch nhân nhanh giống kháng bệnh. Ông cũng nhấn mạnh rằng: cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân và có sự vào cuộc của hệ thống chính trị để công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn đạt hiệu quả cao.
Trung tâm BVTV miền Trung