Hà Nội, 29/6/2021 – Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” (TCP/VIE/3802). Dự án Hợp tác kỹ thuật này do FAO tài trợ và kéo dài trong 2 năm (2021-2022).
Hội thảo này là sự kiện đánh dấu sự khởi động dự án; là cơ hội để thảo luận kế hoạch thực hiện và cơ chế điều phối giữa các đối tác thực hiện dự án; và nâng cao nhận thức của các bên liên quan về cách tiếp cận tổng hợp đối với quản lý sức khỏe cây trồng. Do quy định về giãn cách xã hội của Chính phủ Việt Nam về phòng chống Covid-19 nên Hội thảo khởi động được tổ chức theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo có sự tham gia của các bên liên quan, trong đó có đại diện của cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, chuyên gia kỹ thuật, nông dân, hiệp hội, khu vực tư nhân, đối tác phát triển quốc tế và NGO.
Dự án này được thiết kế nhằm hỗ trợ xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về Sức khỏe cây trồng (NPHS) và Kế hoạch quốc gia về Quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng (NP-IPHM) 2021-2025. Trong khuôn khổ của dự án, FAO sẽ hỗ trợ kỹ thuật để rà soát NP-IPHM 2015-2020; phân tích và rà soát khung và cách tiếp cận toàn cầu cũng như mô hình và thực hành tốt về Sức khỏe cây trồng và quản lý dịch hại. Dự kiến NPHS và NP-IPHM sẽ giúp quản lý một cách toàn diện và có hệ thống dịch hại xuyên biên giới/ứng phó với nguy cơ dịch hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế toàn cầu; lồng ghép sức khỏe cây trồng, dinh dưỡng cây trồng, an toàn thực phẩm, chất lượng và dinh dưỡng; lồng ghép bảo trợ xã hội và tăng trưởng toàn diện (ví dụ: tăng thêm quyền và thu hút tham gia của người nghèo, phụ nữ và thanh niên); tuân thủ quy định và góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Tham gia sự kiện có TS. Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) và TS. Yubak, GC – Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của FAO.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Yubak, GC cho biết: “Trong ba thập kỷ vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn về sản lượng, đặc biệt là năng suất và hiệu quả. Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu hàng đầu về lương thực và một số hàng hóa khác như gạo, điều, hồ tiêu, cà phê, sắn và thủy sản. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức căn bản như năng lực cạnh tranh thấp, dịch bệnh, môi trường chưa bền vững và biến đổi khí hậu. An toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất và kháng sinh cũng như quan ngại về chất lượng là các rào cản phổ biến đối với nông sản thực phẩm của Việt Nam khi tiếp cận thị trường tiêu chuẩn. Thâm canh, độc canh, lạm dụng hóa chất, ô nhiễm đất và nước, và biến đổi khí hậu đang là vấn đề nóng hổi tác động tới mục tiêu sản xuất và marketing bền vững. Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận sức khỏe cây trồng sẽ giúp giải quyết toàn diện các vấn đề này nhằm hỗ trợ nông dân bảo vệ cây trồng, tăng thu nhập, góp phần đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho tất cả mọi người, và bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái”.
TS. Nguyễn Quý Dương phát biểu: “Chương trình IPM do FAO tài trợ vào những năm 1990 rất có ý nghĩa, hiệu quả và tạo ra tác động rất lớn. Chính phủ Việt Nam đã đưa nội dung IPM thành một trong những nguyên tắc và yêu cầu cơ bản của quản lý dịch hại trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013. Bộ NN&PTNT đã phê duyệt và thực hiện “Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020”. Dự án này sẽ thí điểm một phương pháp tiếp cận mới và nếu thành công thì phương pháp này sẽ giúp chúng ta cải tiến được hệ thống bảo vệ thực vật”.