Bình Thuận: Phòng trừ bệnh đốm nâu trên thanh long
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, bệnh đốm nâu là bệnh có diễn biến phức tạp, hiện có chiều hướng tái phát và tiếp tục lây lan. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Thuận đã phát động các đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Toàn tỉnh tổ chức vệ sinh vườn thanh long với diện tích trên 10.000 ha; tổ chức hơn 250 lớp tập huấn với 10.000 cán bộ, nông dân tham gia; tiêu hủy 900 tấn cành, trái thanh long bị bệnh. Một biện pháp khá hữu hiệu để phòng trừ bệnh đốm nâu là ủ cành thanh long bằng chế phẩm BIO-ADB đang được triển khai nhân rộng. Các đơn vị cung ứng khoảng 1.000 gói chế phẩm BIO-ADB để ủ cành bệnh làm phân hữu cơ.
Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, sự nỗ lực của các địa phương trong thực hiện đợt cao điểm phòng chống bệnh đốm nâu đã mang lại hiệu quả. Nhận thức của chính quyền các cấp và người trồng thanh long được nâng lên. Phần lớn các xã, phường, thị trấn trồng thanh long thành lập Ban chỉ đạo để triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh... Điển hình như huyện Hàm Thuận Nam tổ chức trên 1.000 hộ trồng thanh long ký cam kết không vứt bỏ cành, quả thanh long bị bệnh ra đường, kênh mương và nơi công cộng.
Theo ông Phạm Hữu Thủ, để phòng, chống bệnh đốm nâu hại thanh long đạt hiệu quả cao, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động người trồng thanh long không lơ là, chủ quan trong phòng trừ bệnh, đồng thời kêu gọi bà con ra quân dọn vệ sinh, thu gom, ủ cành bệnh làm phân hữu cơ bằng chế phẩm BIO-ADB, giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh đốm nâu lây lan trở lại./.