Hội nghị “Sơ kết công tác nghiên cứu và chỉ đạo phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn, chôm chôm"

Ngày đăng: 08/01/2015 Lượt xem 3229

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, ông Lê Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đồng chủ trì Hội nghị.

 

Tham gia Hội nghị có đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Trung tâm khuyến nông quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông 10 tỉnh có diện tích trồng nhãn lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và 6 huyện, thị có diện tích trồng nhãn lớn của tỉnh Tiền Giang. Ngoài ra, còn có các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin về Hội nghị.

 

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, đến tháng 8/2014, có 7 tỉnh có diện tích trồng nhãn lớn đó là: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, với tổng diện tích là 32.914 ha, trong đó diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng 15.391 ha và có 5.342 ha bị nhiễm nặng. Bệnh chổi rồng trên cây chôm chôm nhiễm ở mức độ nhẹ, với 79 ha bị nhiễm trên tổng diện tích 22 nghìn ha.

 

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, ngày 19/9/2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị về Quản lý dịch chổi rồng hại nhãn khu vực phía Nam; đồng thời, ngày 15/10/2014, Bộ thành lập Tổ công tác điều phối nghiên cứu phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn, chôm chôm. Các cơ quan của Bộ và địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng chống bệnh. Đến nay, sau 3 tháng triển khai, Cục Bảo vệ thực vật đã bổ sung, sửa đổi quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn, tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân, tọa đàm trao đổi trên đài truyền hình tỉnh, xây dựng mô hình trình diễn quản lý bệnh bền vững. Tuy nhiên, diễn biến bệnh rất khác nhau tùy từng tỉnh. Diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng không giảm mà có xu hướng tăng lên ở diện tích nhãn nhiễm trung bình và nặng. Hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long đề nghị các cơ quan khoa học cần xác định rõ tác nhân gây bệnh chổi rồng, đề xuất ra quy trình phòng trừ bệnh thống nhất để tập huấn cho nông dân; cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chống dịch và chuyển đổi sang trồng cây trồng khác trên những diện tích nhãn lâu năm nhiễm bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp.

 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Các địa phương cần tích cực vào cuộc hơn nữa, thành lập ban chống dịch để chỉ đạo kiên quyết hơn. Phân loại từng đối tượng nhãn để xác định diện tích phải chuyển đổi sang cây trồng khác, xử lý thích hợp để trẻ hóa vườn nhãn bị bệnh bằng phương pháp ghép các giống mới có tính chống chịu cao, năng suất và chất lượng quả tốt. Nhanh chóng khẳng định tác nhân gây bệnh chổi rồng hại nhãn, thường xuyên bổ sung hoàn chỉnh quy trình canh tác tổng hợp, đồng bộ để nâng cao khả năng chống chịu bệnh của cây.

 

Để tăng cường hơn nữa các biện pháp cấp bách để hạn chế bệnh chổi rồng hại nhãn, chôm chôm, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị thực hiện một số nội dung liên quan: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cùng tổ công tác nhanh xác định tác nhân gây bệnh làm cơ sở xây dựng quy trình phòng chống. Cục Bảo vệ thực vật luôn cập nhật các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn ở các địa phương để bổ sung vào quy trình phòng chống bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền và tạo cơ sở pháp lý cho sản xuất VietGAP trên nhãn. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ưu tiên khuyến nông thường xuyên cho các vấn đề cấp bách của sản xuất nói chung và bệnh hại nhãn nói riêng, tăng cường các Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp để các tỉnh triển khai tại cơ sở. Viện Cây ăn quả miền Nam tăng cường cán bộ kỹ thuật về cơ sở cùng với hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh hại.

 

Theo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và PTNT chính thức phát động chiến dịch phòng trừ bệnh chổi rồng trên nhãn, chôm chôm trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2015.

 

 

 

 

Tin liên quan

123movies