Indonesia sử dụng ong ký sinh chống dịch rệp hồng phá hoại sắn
Loài ong ký sinh A.Lopezi Anagyrus lopezi thuộc bộ cánh màng Hymenoptera, họ Encyrtidae có cơ thể màu đen, kích thước từ 1,2 - 1,4 mm, tiêu diệt những con rệp hồng phá sắn bằng cách đẻ trứng trên rệp và khi trứng phát triển thành ấu trùng sẽ ăn rệp từ bên trong.
Rệp hồng ở sắn có nguồn gốc từ Nam Mỹ, là một trong những dịch bệnh nguy hại nhất đối với cây lương thực. Các nhà khoa học cho rằng dịch rệp hồng lây lan sang châu Phi và châu Á thông qua các sản phẩm sắn có rệp được vận chuyển giữa các quốc gia và châu lục. Loại sâu hại này có thể làm giảm tới 84% sản lượng thu hoạch sắn và lần đầu tiên được cảnh báo ở châu Á tại Thái Lan vào năm 2008. Dịch cũng đã được phát hiện ở các nước châu Á khác như Campuchia, Lào và Việt Nam.
Nhà côn trùng học Kris Wyckhuys thuộc Trung tâm Quốc tế Nông nghiệp Nhiệt đới Colombia nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải sử dụng những biện pháp sinh học để bảo vệ mùa màng đồng thời không gây hại cho môi trường.
Indonesia là một trong những nước sản xuất sắn lớn nhất thế giới với diện tích canh tác vài triệu hécta mỗi năm. Đây cũng là loại lương thực được tiêu thụ nhiều thứ hai sau gạo ở quốc gia đang phát triển với250 triệu dân này. Sắn cũng được sử dụng làm rau và chế biến thành tinh bột để sản xuất mì hay làm dược phẩm. Mặc dù diện tích trồng sắn bị rệp tại Indonesia hiện nay chưa nhiều, nhưng các nhà khoa học cảnh báo dịch có thể lây lan nhanh chóng nếu không được kiểm soát. Biện pháp thả ong ký sinh diệt rệp hồng phá sắn đã từng được sử dụng thành công ở Thái Lan./.