Cánh đồng lúa 3 giảm, 3 tăng

Ngày đăng: 26/07/2011 Lượt xem 2306

Trong thời gian vừa qua, các ban ngành của tỉnh Long An đã triển khai khá nhiều các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thu nhập cho người sản xuất.

Trong đó, sự hưởng ứng tham gia của đông đảo bà con nông dân trong quá trình thực hiện ở các địa phương là một yếu tố rất quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố có tính quyết định đến kết quả đạt được.

Một trong những điển hình minh chứng vai trò tham gia của cộng đồng như trên là nhóm nông hộ ở ấp An Hòa 3, thị trấn Thủ Thừa trong chương trình xây dựng “Cánh đồng lúa 3 giảm 3 tăng”.

Xây dựng các cánh đồng lúa thâm canh theo hướng “3 giảm 3 tăng” là một trong những chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Long An thực hiện rộng rãi trong nhiều năm qua dưới hình thức tổ chức theo từng tổ, nhóm nông dân. Riêng ở ấp An Hòa 3 đã có một nhóm gồm 21 nông hộ tham gia áp dụng các khuyến cáo kỹ thuật của chương trình trên 22 ha lúa trong vụ đông xuân 2010-2011 vừa qua.

Ở giai đoạn khởi đầu, sau khi được nhân viên kỹ thuật của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thủ Thừa hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng, bà con nông dân đã chủ động bàn bạc, phân công trong việc chọn mua giống tốt, nhắc nhở nhau áp dụng biện pháp gieo sạ thưa, bón phân cân đối, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng…

Đến giữa vụ, bà con cùng nhân viên kỹ thuật họp lại để cùng đánh giá tiến trình sinh trưởng của lúa trên chân ruộng của từng hộ, cùng đưa ra các biện pháp khắc phục những thiếu sót và trao đổi những khâu công việc cần thiết cho giai đoạn tiếp theo. Khi đến thời điểm thu hoạch, một lần nữa bà con tổ chức sinh hoạt để trao đổi, so sánh kết quả của ruộng áp dụng quy trình với các ruộng chưa áp dụng cũng như so sánh với sản xuất lúa của chính gia đình mình trước đây.

Từ đó, bà con đã tự đúc kết những bài học, kinh nghiệm hay cho chính mình và tập thể. Với năng suất chung của nhóm đạt bình quân 7,5 tấn/ha (một số hộ đạt trên 8 tấn/ha) cùng với các khoản tiết kiệm chi phí từ việc giảm mật độ sạ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động đã giúp cho tất cả các hộ thành viên có thu nhập cao hơn trước.

Từ kết quả đạt được rất thuyết phục, Chi hội Nông dân của ấp đã có kế hoạch nhân rộng mô hình đến nhiều hộ khác trong thời gian tới như tâm sự của ông Lê Văn Đức, một thành viên của nhóm: “Nhờ áp dụng mô hình sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng mà vụ đông xuân vừa qua 21 hộ nông dân chúng tôi đều trúng mùa, trúng giá. Các vụ tới chắc chắn chúng tôi quyết tâm thực hiện tiếp những kỹ thuật đã được học tập và cùng với chính quyền, Hội Nông dân tổ chức hướng dẫn cho nhiều bà con khác trong xã biết cách thực hiện, làm theo”.

Tinh thần hợp tác và kết quả sản xuất của nhóm nông hộ trồng lúa ở ấp An Hòa 3 cho phép chúng ta khẳng định một lần nữa, việc triển khai các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hoặc sắp tới đây là các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới luôn cần có sự tổ chức phối hợp, hợp tác đồng bộ từ nhiều phía liên quan mà trong đó vai trò cộng đồng nông dân là yếu tố cần được xếp hàng đầu vì một khi cộng đồng đã thông hiểu, đồng lòng, thấy rõ các mặt ích lợi cho gia đình, xã hội thì khó khăn nào trong quá trình thực hiện cũng đều vượt qua được.

 

Đoàn Phương Nga

(Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 26/07/2011)

Tin liên quan

123movies