Giảm phun thuốc trừ sâu, rầy bằng công nghệ sinh thái

Ngày đăng: 16/09/2011 Lượt xem 6826

Giảm 3-4 lần phun thuốc trừ sâu, rầy; thậm chí không cần phun thuốc trừ sâu, rầy trong cả vụ lúa. Đó là hiệu quả được ngành Nông nghiệp An Giang ghi nhận từ thực tế nông dân áp dụng mô hình công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa” trong một năm qua.

Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang nhận định: “Điều này rất có ý nghĩa trong việc tăng cường khả năng quản lý dịch hại tự nhiên của đồng ruộng. Và điều đáng lưu ý hơn, năng suất của ruộng áp dụng công nghệ sinh thái vẫn không giảm so ruộng đối chứng, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn”. Theo đó, lần đầu tiên, mô hình công nghệ sinh thái được áp dụng tại cánh đồng “1 phải, 5 giảm” thuộc xã Vĩnh Bình (Châu Thành) trong vụ hè thu 2010. Hoạt động cụ thể là trồng các loại trên bờ ruộng như: Hoa sao nhái, cúc, trâm ổi, mè … Kết quả đã đạt được những lợi ích là, thu hút ong mật và ong ký sinh đến bảo vệ ruộng lúa, giảm chi phí thuốc trừ sâu và tăng lợi nhuận. Toàn bộ diện tích áp dụng công nghệ sinh thái hoàn toàn không phải phun thuốc trừ sâu lần nào mà vẫn đạt năng suất khá cao 6,5 tấn/héc-ta, so với vụ trước đó giúp nông dân giảm 3-4 lần số lần phun thuốc trừ rầy nâu và sâu cuốn lá.

Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trên 200 héc-ta với gần 700 nông dân tham gia thực hiện mô hình công nghệ sinh thái. Một trong những địa phương thực hiện đạt hiệu quả khá cao có thể kể đến đó là huyện đầu nguồn An Phú. Mô hình “1 phải, 5 giảm” kết hợp với công nghệ sinh thái đã mang lại nhiều thành công bất ngờ cho nông dân địa phương. Hầu như những phương pháp kỹ thuật mới nhất đều được triển khai ứng dụng tại đây. Trong đó, có cả việc nông dân tự nuôi cấy nấm xanh (thay thế thuốc bảo vệ thực vật) để phòng trừ rầy nâu. Riêng khâu xuống giống trên diện tích 25 héc-ta, tất cả 42 nông dân tham gia mô hình đều thực hiện theo phương pháp sạ hàng… Được học, rồi được thực hành ngay trên đồng ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, nông dân Kiều Văn Liền, ngụ xã Phú Hữu kết luận: “Trên đồng ruộng, bên cạnh sâu hại còn có rất nhiều bạn bè hữu ích – chúng ta gọi là thiên địch”. Rồi anh tỏ ra tiếc nuối, trước đây cứ thẳng tay tiêu diệt tất cả những côn trùng có mặt trên đồng ruộng kể cả thiên địch do thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, qua tham gia lớp học “1 phải, 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái lần này thì nông dân Kiều Văn Liền và những bà con cùng học chung sẽ phát huy thế mạnh sẵn có ngoài đồng ruộng - những côn trùng có ích để tiêu diệt sâu, rầy. Có được như vậy mới giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận và góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho nông dân.

Để có được những cánh hoa khoe sắc, thu hút thiên địch, nhiều nông dân tại xã Phú Hữu cho biết, việc trồng hoa trên bờ ruộng cũng không đơn giản. Lúc xuống giống gặp nắng hạn nên khâu tưới rất quan trọng. Cán bộ phụ trách mô hình cùng với kỹ thuật viên cứ cách 1 ngày phải tưới nước. Nông dân Trần Văn Sương nói: “Nhờ kiên trì chăm sóc nên khi thân cây cao tới đầu gối thì hoa nở rất nhiều. Ngày nào chúng tôi cũng quan sát thấy, trên hoa hướng dương có nhiều con ong bầu tìm đến; rồi hoa cúc thì có ong ruồi; con bọ rùa thường xuất hiện trên hoa sao nhái…”. Ngặt nổi đến lúc hoa nở rồi tưởng khỏe, đỡ công chăm sóc, nào ngờ mỗi buổi chiều nông dân đi làm đồng về ngang ruộng mô hình vừa ngắm hoa, vừa tiện tay ngắt vài cành mang về nhà chưng cúng. Bên cạnh đó, từ ngày cánh đồng lúa trổ hoa rồi thì các em nhỏ cũng thường xuyên lui tới hái chơi. Thế nên số lượng hoa giảm đáng kể. Thấy vậy, bà con trong lớp học nảy sinh sáng kiến làm tấm bảng khuyến cáo chăm sóc “Ruộng lúa bờ hoa” kèm theo lời cám ơn “Xin đừng hái hoa!”.

Bài, ảnh: HỒNG TRANG

Báo An Giang điện tử

Tin liên quan

123movies