Thành công bước đầu của Chương trình “1 phải, 5 giảm” tại An Giang

Ngày đăng: 07/09/2011 Lượt xem 3299

Tháng 11-2009, An Giang chính thức phát động chương trình nông dân An Giang áp dụng biện pháp trồng lúa cao sản theo “1 phải, 5 giảm”. Phấn đấu từ năm 2015 trở đi, toàn tỉnh có trên 50% diện tích áp dụng Chương trình “1 phải, 5 giảm” song song với việc củng cố và duy trì trên 85% diện tích áp dụng và trên 90% diện tích có sử dụng giống lúa xác nhận. Để cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình “Tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình áp dụng Chương trình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa tại An Giang giai đoạn 2010-2012”, với tổng kinh phí gần 2,1 tỷ đồng. Kết quả, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình “1 phải, 5 giảm” đã mang lại hiệu quả đáng kể cho nông dân. Theo kết quả ghi nhận từ Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, ngoài việc giảm chi phí từ việc giảm giống, phân, thuốc và nước tưới thì giải pháp này còn giúp cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, ít đổ ngã... Từ đó, giúp giảm được 20% giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân trên 4 triệu đồng/héc-ta so với diện tích không áp dụng mô hình.

Tham quan mô hình “1 phải, 5 giảm” kết hợp công nghệ sinh thái tại xã Phú Hữu (An Phú).

Tính đến vụ hè thu 2011, toàn tỉnh đã triển khai được 189 lớp huấn huyện “1 phải, 5 giảm” cho hơn 4.300 nông dân ứng dụng trên tổng diện tích gần 6.000 héc-ta. Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, tại các điểm huấn luyện, nông dân được truyền đạt những kiến thức chủ yếu về quy trình quản lý dịch hại và dinh dưỡng tổng hợp. Mỗi lớp huấn luyện thu hút khoảng 30 nông dân tham gia và được tổ chức luân phiên ở các xã trong huyện; thời gian tập huấn khoảng 13 tuần kéo dài suốt cả vụ và theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức thực tế, nông dân còn được tham gia thực hành tại ruộng mô hình (0,5 -1 héc-ta). Nhờ vậy, bà con có thể nhận biết được diễn biến của dịch hại, thiên địch cũng như sinh trưởng của cây lúa, qua đó đã giúp họ thảo luận và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp và hiệu quả nhất. Trong suốt quá trình tập huấn, từ các kiến thức thực tế tại ruộng trình diễn, nông dân tham gia lớp học được khuyến khích dành một phần đất tại ruộng của mình để tham gia thí nghiệm nhằm chuyển dần nhận thức của nông dân về lợi ích của chương trình và chuyển dần sang giai đoạn làm theo. Nông dân Nguyễn Văn Gấu, ngụ xã Phú Hữu (An Phú) chia sẻ: “Trước kia, tôi chưa hiểu gì về khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, chỉ làm theo kinh nghiệm bản thân và tập quán canh tác địa phương, nên chi phí sản xuất hàng năm rất cao, lợi nhuận lại không nhiều; thậm chí có năm thua lỗ do dịch bệnh và thiên tai xảy ra. Từ việc làm theo Chương trình “1 phải, 5 giảm”, gia đình tôi đã giảm được chi phí và tăng lợi nhuận so với tập quán canh tác cũ từ 200.000 – 300.000 đồng/công/vụ. Tính chung, thu lợi nhuận thêm từ Chương trình “1 phải, 5 giảm” trên tổng diện tích 64 công đất lúa (2 vụ/năm) được từ 25 – 38 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn vận động hướng dẫn được trên 30 nông dân khác trong địa phương làm theo và cũng đạt hiệu quả”.

Tiến sĩ Singleton, Điều phối viên nhóm nghiên cứu lúa nước, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế - IRRI cho biết: “An Giang là tỉnh đi đầu trong sản xuất nông nghiệp nên IRRI đã ủng hộ thông qua Chương trình “1 phải, 5 giảm”, từ hỗ trợ kinh phí đến việc cử các chuyên gia sẵn sàng tham gia giải đáp các vấn đề xảy ra trong quá trình thực hiện của An Giang”. Tiến sĩ Singleton cũng nhận định, Chương trình “1 phải, 5 giảm” được tỉnh An Giang thực hiện khá thành công, làm tiền đề cho hướng sản xuất bền vững – GAP trong thời gian tới.

Bài, ảnh: H.T

Nguồn: Báo An Giang điện tử

Tin liên quan

123movies