Để nông dân ĐBSCL sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2011
Hiện nay, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tập trung xuống giống vụ lúa thu đông 2011. Việc gia tăng diện tích lúa thu đông sẽ góp phần làm tăng sản lượng lúa và thu nhập của nông dân nhưng đồng thời cũng tạo nên áp lực về quản lý dịch hại, đầu ra cho hạt lúa. Báo Cần Thơ lược ghi những khuyến cáo của các nhà khoa học và ngành nông nghiệp... để nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2011, tạo nền tảng cho các vụ lúa tiếp theo.
* TIẾN SĨ NGUYỄN HỮU HUÂN, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT:
GIEO SẠ ĐỒNG LOẠT, NÉ RẦY ĐỂ GIẢM ÁP LỰC SÂU BỆNH NGAY TỪ ĐẦU VỤ
Ngay từ đầu năm 2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết 11 “Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, đồng thời, giao cho ngành nông nghiệp phải tìm giải pháp để tăng sản lượng lúa ở ĐBSCL thêm 1 triệu tấn trong năm. Trong kế hoạch tăng 1 triệu tấn lúa này, vai trò của vụ thu đông là rất quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có chủ trương chỉ đạo các địa phương quy hoạch lại vùng lúa thu đông, trên cơ sở điều chỉnh vụ lúa hè thu và vụ lúa mùa để đảm bảo cho sản xuất vụ thu đông không bị ảnh hưởng của lũ đầu vụ, đảm bảo an toàn khi thu hoạch lúa và thời gian cách ly, giãn vụ đối với đầu vụ đông xuân 2011-2012. Để chủ động đối phó, quản lý dịch hại trong vụ thu đông, ngành bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT cùng các địa phương dự báo các đỉnh cao của rầy di trú để gieo sạ đồng loạt né rầy, ngăn chặn bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
Theo quy luật hàng năm, đỉnh cao của rầy thường rơi vào tháng 7, tháng 8, khi thu hoạch lúa hè thu rộ. Đây cũng là thời điểm xuống giống vụ thu đông. Vì vậy, yêu cầu quan trọng là phải xuống giống né được hai đỉnh cao của rầy để giảm áp lực sâu bệnh ngay từ đầu vụ. Theo dự báo của Cục Bảo vệ thực vật, thời gian rầy di trú rộ trong tháng 7 (từ ngày 17 và 18-7 đến 25-7) và tháng 8 (từ 18-8 đến 25-8). Trên cơ sở đó các địa phương theo dõi bẫy đèn để xem đỉnh cao của rầy di trú ở địa phương rơi vào thời điểm nào và sau đỉnh cao của rầy mới bố trí xuống giống. Đến nay, việc thực hiện gieo sạ né rầy theo dự báo đã được một số địa phương thực hiện rất tốt như Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ... Ngoài ra, một số bệnh hại khác thường gặp như bệnh khô vằn, bệnh cháy bìa lá hay bệnh đạo ôn,... đã có thuốc đặc trị, nông dân chỉ cần phun trừ tuân thủ theo nguyên tắc “bốn đúng”. Nông dân cũng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật khác như “ba giảm, ba tăng”, “một phải, năm giảm”, IPM, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý dịch hại hiệu quả.
* TIẾN SĨ LÊ VĂN BẢNH, VIỆN TRƯỞNG VIỆN LÚA ĐBSCL:
ÁP DỤNG ĐỒNG BỘ KHOA HỌC KỸ THUẬT ĐỂ ĐẢM BẢO ĐỘ MÀU MỠ CỦA ĐẤT
Trước đây, ngành nông nghiệp, các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo giữa 2 vụ lúa nên trồng 1 vụ màu để cải tạo đất, đảm bảo thời gian cắt vụ, ngăn ngừa sâu bệnh lan truyền, phát triển mạnh, nhanh ở vụ sau. Hiện nay, do nhu cầu gia tăng sản lượng lúa để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, ngành nông nghiệp chủ trương tăng diện tích trồng lúa, cụ thể là lúa thu đông. Xét về mặt khoa học, nếu tăng vụ thì chất màu mỡ của đất ngày càng giảm đi. Muốn giữ vững năng suất, nông dân phải tốn chi phí bón phân nhiều hơn và đất đai cũng dần cằn cỗi hơn. Ngoài ra, từ khi có đê bao ngăn lũ, việc bồi đắp phù sa diễn ra chậm hơn làm giảm độ màu mỡ của đất. Thực tế, một số địa phương vùng ĐBSCL có tập quán canh tác 3 vụ lúa/năm, thậm chí là 2 năm 7 vụ nhưng nông dân trồng lúa vẫn giữ vững được năng suất. Mặc dù vòng quay của đất được khai thác triệt để song đến giờ này độ màu mỡ của đất đai ở vùng ĐBSCL bị mất không đáng kể. Vì vậy, để đảm bảo độ màu mỡ cho đất khi tăng vụ, nông dân cần tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo của các nhà khoa học về ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật.
Đầu tiên, nông dân phải đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ từ 3 tuần đến 1 tháng để tranh thủ cày bừa, xử lý đất, xử lý rơm rạ tránh ngộ độc hữa cơ, hạn chế sâu bệnh cho vụ sau. Trong quá trình sản xuất lúa liên tục 3 vụ/ năm, nền đất bị dẽ chặt nhiều hơn, vì vậy trong 1 năm ít nhất phải cày ải một lần. Đồng thời, nông dân phải giãn cách, bố trí thời vụ cho phù hợp, đảm bảo thời gian làm vụ thu đông không ảnh hưởng đến vụ đông xuân, vụ lúa chính cho năng suất cao nhất trong năm. Ngoài ra, phải ứng dụng khoa học kỹ thuật kết hợp với việc chọn các giống ngắn ngày phù hợp và phải là giống xác nhận, giống tốt. Cần tránh canh tác ở những nơi không có đê bao khép kín vì có khả năng sẽ bị ngập lũ đầu vụ và hạn vào cuối vụ. Nếu nông dân đáp ứng được các yêu cầu trên thì vụ thu đông sẽ đảm bảo được năng suất và không ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất.
* ÔNG PHẠM VĂN QUỲNH, GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT TP CẦN THƠ:
LÚA THU ĐÔNG SẼ KHÔNG GẶP KHÓ VỀ ĐẦU RA
Ở vụ lúa thu đông 2011, khi rà soát ở các địa phương và đưa ra một số giải pháp về thủy lợi, TP Cần Thơ dự kiến sẽ tăng diện tích lên 40.611 ha. Nhưng đến nay, toàn TP đã xuống giống trên 53.000 ha lúa thu đông và nhiều khả năng sẽ hơn 54.000 ha. Để nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông 2011, các quận huyện đã tăng cường đầu tư nâng cấp đê bao, nạo vét luồng lạch, đảm bảo nước tưới tiêu, nhất là những vùng từ trước đến nay chưa có tập quán canh tác lúa thu đông như huyện Vĩnh Thạnh. Đồng thời, các địa phương cũng tích cực thực hiện các biện pháp chỉ đạo về giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc...
Ước tính với sản lượng lúa thu đông đạt khoảng 160.000-200.000 tấn, việc tiêu thụ sẽ không gặp khó khăn. Bởi trên địa bàn TP Cần Thơ có trên 200 doanh nghiệp, cơ sở xay xát, thu mua lúa gạo. Trong đó, có hơn 20 DN xuất khẩu trực tiếp. Ngoài ra, nông dân TP Cần Thơ có tập quán sản xuất lúa chất lượng cao tức lúa hạt dài, lúa thơm nên rất được doanh nghiệp chuộng thu mua để xuất khẩu. Mặt khác, trong vụ lúa thu đông của TP Cần Thơ, ở những vùng đất tốt, nông dân thường tập trung làm lúa giống cho vụ đông xuân, do đó đầu ra sẽ không gặp khó...
MINH HUYỀN (thực hiện)
Nguồn: http://www.baocantho.com.vn