Nông dân tự chế thuốc trừ sâu rầy

Ngày đăng: 14/03/2011 Lượt xem 13095

Thoạt nghe lạ, càng lạ hơn là khi nhiều nông dân tin cách “tự chế” thuốc trừ được sâu rầy, đạt hiệu quả và ít tốn kém. Ðó là cách làm mới lần đầu tiên của nông dân Sóc Trăng – qua nhiều mùa lúa thử nghiệm, dùng nấm ký sinh phòng trị rầy nâu (RN), sâu bệnh.

Một biện pháp sinh học được các cán bộ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp Viện lúa ÐBSCL và trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) thừa nhận hiệu quả, có lợi cho môi trường và từ cách làm này có thể tiến tới sản xuất nông phẩm đạt theo tiêu chuẩn sạch.

Nông dân Nguyễn Hữu Công, ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) tự nguyện học và làm theo cách làm này đạt hiệu quả kể: “Thật ra từ mấy năm trước nghe bà con nông dân đã thử phun thuốc sinh học hiệu quả, tôi đã muốn làm theo. Thế rồi vào một chiều nọ do tình cờ xem ti vi thấy cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Sóc Trăng chỉ dẫn bà con cách làm, tôi tìm tới chi cục BVTV tỉnh học trong 10 ngày, rồi mua sắm vật dụng về làm tại nhà. Sau 10 ngày sau khi cấy nấm chuyển màu xanh cũng là lúc lúa được 10 ngày, phát hiện có RN mật số 5-10 con/m2. Tôi bèn pha thuốc phun ngay. Thú thiệt lúc đầu phun thuốc 2 bình thấy hơi chán so với trước kia phun thuốc hoá học (rầy chết ngay). Nhưng phải nói tới lần thứ 3, lúa được 23 ngày, tôi thấy RN bị nhiễm nấm trắng, bị chết. Tôi mừng quá đem khoe với bà con và tôi tới phòng kỹ thuật chi cục BVTV xin nấm về để cấy và phun thêm”.

Từ mô hình nông dân tự cấy nấm trừ sâu rầy, hiện nay nông dân ở một số địa phương tỉnh Sóc Trăng đã tiến thêm một bước là hình thành những nhóm nông dân có sự phân công và chia sẻ kỹ thuật trong cách nuôi cấy nấm để phân phối trong cộng đồng. Theo cách “thương mại hoá” này, giá cả dễ chấp nhận nên được nông dân đồng thuận. Ông Bùi Thanh Toàn, nông dân ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) là người nhân nuôi nấm trong nhóm cộng đồng nói: “Theo yêu cầu của bà con hơn 50 hộ nông dân trong nhóm, tôi nhân cấy nấm đáp ứng đủ cho 40 ha lúa. Trong vụ lúa ÐX vừa qua trong xã Tân Thạnh nhờ có nhiều nhóm nông dân phun xịt thuốc nấm ký sinh này nên mật số RN luôn ở mức thấp. Thấy vậy, các xã lân cận hiện có hơn 200 nông dân đang yêu cầu giúp làm mô hình điểm để nhân rộng ra từ cách làm này.

Quá trình ứng dụng thuốc vi nấm từ nấm ký sinh (Metarhizium anisopliae & Beauveria bassiana) phòng trừ RN trong thâm canh lúa chất lượng cao ở Sóc Trăng bắt đầu từ những năm 2003-2008 và đến nay vẫn còn tiếp tục. Từ 12 mô hình ứng dụng đầu tiên thực hiện trên 48ha (4ha/mô hình) tại 2 huyện Mỹ Xuyên và Thạnh Trị, TS Nguyễn Thị Lộc – cán bộ Viện lúa ÐBSCL kết luận, mô hình đã giảm được chi phí và tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt ứng dụng chế phẩm sinh học giúp bảo vệ môi rường sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các mô hình lúa-cá, lúa-tôm tại tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh ÐBSCL. Trong giai đoạn này nông dân mới làm quen với nấm ký sinh.

Nhưng phải nói trong năm 2006-2008, được Dự án Nâng cao chất lượng cây trồng-vật nuôi tỉnh Sóc Trăng do CIDA Canada tài trợ, dù trong tình hình dịch RN, bệnh VL-LXL phát sinh lây lan trong toàn khu vực, tỉnh Sóc Trăng vẫn kiên trì thực hiện mở rộng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trên lúa mùa, lúa thơm ST3, ST5, ST10 ở các huyện Mỹ Xuyên, Kế Sách, Mỹ Tú, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm. Kết quả nông dân tin vào biện pháp này đạt hiệu quả, nhất là nơi thực hiện mô hình lúa-tôm giữ gìn môi trường tốt vì không phải dùng thuốc trừ sâu hóa học.

Từ tháng 8/2008 đến nay là dấu mốc đánh dấu chuyển giao qui trình cấy nấm trừ côn trùng hại cây trồng cho nông hộ tự làm. Bộ môn BVTV trường ÐHCT là đơn vị nghiên cứu xây dựng qui trình và chuyển giao nhân nuôi nấm ký sinh phòng trừ sâu rầy hại lúa và cung cấp giống đầu dòng tại 6 huyện trong tỉnh Sóc Trăng. KS Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng nhận xét: “Qui trình sản xuất nấm tại nông hộ được đa số nông dân đồng tình và cho biết dễ làm. Qua thực tế dùng biện pháp sinh học trong quản lý dịch hại trên đồng ruộng được nhiều nông dân xác nhận hiệu quả. Chi phí phòng trừ RN bằng nấm xanh bình quân 100.000đ/ha/lần, trong khi ruộng lúa phun thuốc hóa học biến động 200.000đ đến 1 triệu đồng/ha/lần. Việc xã hội hóa trong phòng trừ dịch hại bằng sinh học sẽ góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức từ thuốc hóa học sang thuốc sinh học”.

Qua mô hình dùng chế phẩm sinh học quản lý kiểm soát RN, TS Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV nhớ lại: “Hồi lúc dịch RN bùng phát dữ dội, Bộ NN&PTNT phân công tôi làm thành viên trong Ban phòng chống RN - bệnhVL, LXL. Ði dọc theo các tỉnh ven biển vùng ÐBSCL rồi sang nước bạn Campuchia, đâu đâu tôi cũng thấy lúa nhiễm rầy rất nặng, nhưng ở Thái Lan thì không. Những đồng nghiệp ngành BVTV ở Thái Lan nói nhờ dùng nấm ký sinh và cách làm này được chuyển giao tới nông dân. Tôi xuống xem thực tế ở nhiều địa phương, quả thật có nơi 150.000ha lúa an toàn nhờ biện pháp phòng trừ sinh học này. Hiện thời ở Sóc Trăng chỉ trong một thời gian ngắn, kết quả cho thấy mô hình triển khai rất nhanh và kết quả thu được rất thuyết phục. Làm như nông dân Sóc Trăng thì nông dân nơi khác cũng làm được”.

 
 

Tin liên quan

123movies