Bệnh VL- LXL tái xuất khắp đồng bằng sông Cửu Long

Ngày đăng: 11/05/2011 Lượt xem 6752

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có trên 1.200 ha lúa bị nhiễm bệnh VL- LXL, chủ yếu trên các trà lúa HT mới gieo sạ từ 15-30 ngày tuổi. Tập trung ở các huyện như Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn và TX Châu Đốc…Diện tích lúa bị nhiễm bệnh chủ yếu ở mức độ nhẹ nhờ nông dân phát hiện sớm và khống chế kịp thời. Trung bình cứ 1 m2 xuất hiện từ 2-3 bụi lúa bị nhiễm bệnh. Chi cục BVTV tỉnh kết hợp với các địa phương khuyến cáo nông dân cần nhổ bỏ những bụi lúa bị nhiễm bệnh đem đi tiêu hủy. Còn những đồng lúa mới có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, lá lúa bắt đầu có dấu hiệu xoắn lại và có màu vàng khô thì nên sử dụng đúng các loại phân, thuốc BVTV để ngăn ngừa không cho bệnh phát tán ra diện rộng.

Theo ông An, năm nay bệnh VL-LXL xuất hiện sớm và nhiều hơn năm rồi là do nông dân không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nguyên nhân do giá lúa cao nên nông dân bất chấp lịch thời vụ. Theo đó, lẽ ra phải xuống giống HT cuối tháng 3, nhưng nhiều nơi nông dân đã gieo sạ sớm hơn 1 tháng nhằm tranh thủ cắt lúa sớm để bán giá cao.

Hộ ông Cao Văn Kỷ (Út Kỷ) ở ấp Phú An 1, xã Bình Hòa, Châu Thành, An Giang có ruộng bị nhiễm VL-LXL với tỷ lệ trên 60% diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng. Ông Kỷ cho biết: “Làm xong vụ lúa ĐX, tôi thấy lúa có giá cao nên xé rào sạ lúa HT sớm gần 1 tháng trên diện tích 5 công đất, còn lại 1 ha thì xuống giống đúng theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Lúa HT của tôi xuống giống sớm nay đã được 60 ngày tuổi, lúa đang trong giai đoạn làm đòng nhưng bệnh VL-LXL làm cho cây lúa bị lùn hẳn, bông bị nghẽn không trổ ra được. Tôi đã bỏ ra trên 2 triệu đồng để mua phân, thuốc BVTV về phun nhưng không hiệu quả. Lúa càng ngày càng bị cháy lá vàng rực và rụi chết khô dần”.

Do không phát hiện sớm nên ruộng nhà ông Kỷ đã bị bệnh rất nặng, với khoảng 30-40 bụi lúa bị nhiễm bệnh/m2. Theo ước tính, với 5 công lúa HT gieo sạ sớm này gia đình ông bị thiệt hại gần 10 triệu đồng.

Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã gieo sạ được 159.368ha/276.000 ha, đạt 57,74% kế hoạch. Diện tích còn lại chủ yếu tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây Sông Hậu, ngành đang tập trung chỉ đạo các địa phương gieo sạ dứt điểm lúa trong tháng này. Hiện toàn tỉnh đang có 8.596 ha lúa bị sâu bệnh tấn công, gây hại. Trong đó, diện tích bị nhiễm rầy nâu là 1.250 ha, mật độ 2.000 con/m2, tuổi rầy 2-4; 1.223 ha bị sâu cuốn lá gây hại, mật độ 10-20 con/m2; bệnh cháy lá 1.910 ha, tỷ lệ phổ biến 5-10%. Đặc biệt, nhiều địa phương đã xuất hiện lúa bị bệnh VL-LXL với tổng diện tích 2.098 ha, tỷ lệ phổ biến từ 3-10%, một số ruộng bị nặng lên đến 10-20%. Ngành đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát tình hình dịch bệnh nguy hiểm này để có biện pháp xử lý kịp thời.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, bệnh VL-LXL cũng đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đang tìm cách dập dịch. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục phó Chi cục BVTV Đồng Tháp cho biết: “Bệnh VL-LXL đang có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 3.000 ha bị nhiễm bệnh trên tổng số 195.000 ha lúa HT của toàn tỉnh. Các địa phương có lúa bị nhiễm bệnh là huyện Tân Hồng, Thanh Bình và TX Hồng Ngự… Tỷ lệ bị nhiễm phổ biến từ 2-5%, một số nơi bị nhiễm cục bộ lên đến 10-12%. Ngành nông nghiệp đã cử cán bộ xuống trực tiếp từng địa phương để nắm tình hình, khuyến cáo nông dân cần quan tâm đến khâu chăm sóc, bón phân, thăm đồng thường xuyên. Khi phát hiện những bụi lúa có dấu hiệu nhiễm bệnh thì phải xử lý ngay bằng cách nhổ bỏ, đem chôn lấp để hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm".

Theo ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, cái khó trong phòng chống bệnh VL-LXL trên lúa HT hiện nay là lúa gieo sạ không đồng bộ giữa các địa phương, rầy nâu mang mầm bệnh có điều kiện lây lan từ tỉnh này sang tỉnh khác. Khi địa phương này ra quân dập dịch thì rầy lại bay đi nơi khác. Vì vậy cần có sự phối hợp giữa các tỉnh với nhau, nhất là khu vực giáp ranh.

Về lâu dài thì hiệu quả nhất vẫn là quản lý thật tốt lịch mùa vụ, đảm bảo có thời gian cách ly cho từng vụ mùa, có như vậy thì dịch bệnh mới không diễn biến phức tạp và lây nhiễm từ vụ này sang vụ khác.

Điều đáng lo ngại là phần lớn trà lúa HT trong tỉnh Đồng Tháp hiện mới đang trong giai đoạn từ 15-30 ngày tuổi vì đây là giai đoạn có khả năng bị nhiễm bệnh rất cao. Theo bà Ánh, nếu không khống chế tốt dịch bệnh ở vụ này thì vụ TĐ tới và vụ ĐX 2012 bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát cao. Do điều kiện các địa phương khó khăn trong hệ thống đê bao thủy lợi, vụ TĐ thường gặp khó trong công tác xuống giống đồng bộ.

Tại Hậu Giang, Chi cục BVTV tỉnh cũng đang ráo riết tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật để giúp nông dân nắm vững kỹ thuật phòng tránh dịch bệnh VL-LXL. Ông Lê Văn Đời, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết, hiện ngành đã triển khai cho các trạm BVTV huyện theo dõi sát tình hình đồng ruộng, đồng thời lấy mẫu rầy đem đi xét nghiệm, xác định tỷ lệ mang mầm bệnh để ra quân dập dịch. Đối với diện tích lúa HT còn lại sẽ chỉ đạo các địa phương xuống giống dứt điểm trước ngày 20/5, không để kéo dài dẫn đến dễ lây lan dịch bệnh.

Tin liên quan

123movies