Hội nghị tổng kết Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp”

Ngày đăng: 12/05/2023 Lượt xem 1187
Ngày 12/5/2023, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với văn phòng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (FAO) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM)”. Hội nghị do Cục Bảo vệ thực vạt và Đại diện FAO Việt Nam chủ trì, được tổ chức theo hình thức trực tiếp phối hợp với trực tuyến với sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh thành trong cả nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức Hiệp hội chè, hồ tiêu, cà phê, trung tâm phát triển cộng đồng và các tổ chức quốc tê.


Chương trình biểu diễn văn nghệ của các học viên nông dân lớp tập huấn FFS của Chương trình IPHM 

Dự án được tài trợ bởi Tổ chức FAO tại Việt Nam, thời gian thực hiện trong 2 năm (từ 29/4/2021 - 29/4/2023). Mục tiêu của dự án là đào tạo giảng viên TOT-IPHM cấp quốc gia và tập huấn cho cán bộ giảng viên quốc gia về quản lý IPHM. Thông qua việc xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM, dự án hướng tới nâng cao năng lực quản lý sức khỏe cây trồng, giảm thiểu tổn thất do bệnh hại, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam.

Mặc dù được triển khai gặp vào thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID 19, nhưng dự án đã thực hiện đúng tiến độ, các nội dung đều được hoàn thành đúng theo những yêu cầu đã đề ra từ ban đầu. Sau 2 năm thực hiện, đến thời điểm hiện tại, thành công lớn nhất của dự án là đã lồng ghép được chương trình IPHM vào “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050” theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ”. Cụ thể, ngày 27/5/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH ban hành “Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam được xác định là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, dự án cũng đã xây dựng được chương trình khung, bộ tài liệu về IPHM. Đặc biệt, dự án đã đào tạo được hệ thống giảng viên IPHM chất lượng từ trung ương tới các địa phương, gồm: 39 giảng viên TOT-IPHM lớp giảng viên nguồn; 60 giảng viên TOT-IPHM quốc gia (lớp đào tạo 105 ngày); 241 giảng viên chuyển đổi từ giảng viên TOT-IPM sang TOT-IPHM (lớp đào tạo bằng nguồn kinh phí của Bộ NN-PTNT) và 300 nông dân nòng cốt qua các lớp tập huấn đầu bờ cho nông dân (FFS). 

Tại hội nghị, hơn 10 ý kiến tham luận của các đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý sức khỏe cây trồng đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm hoàn thiện chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Đặc biệt, liên quan đến việc đào tạo, các bên liên quan như Học viện nông nghiệp Việt Nam, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông quốc gia…  sẵn sàng cung cấp chuyên gia, hỗ trợ lồng ghép các nội dung theo các chuyên đề chuyên môn đồng hành với ngành bảo vệ thực vật và phối hợp thực hiện chương trình tập huấn hiệu quả, sinh viên được đào tạo kiến thức IPHM theo hướng tiếp cận “one health”-là cách tiếp cận tổng hợp để phòng ngừa và giảm thiểu mối đe dọa đến sức khỏe Con người, động vật, thực vật và môi trường nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, hệ sinh thái bền vững và thúc đẩy thương mại công bằng.




Quang cảnh Hội nghị

Với các kết quả đạt được của dự án, chương trình IPHM đã có đủ cơ sở để triển khai tại các cơ quan đơn vị tùy theo từng vị trí nhiệm vụ được giao, mở rộng trên khắp lãnh thổ Việt Nam,  góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong quản lý sức khỏe cây trồng, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà.

Tin liên quan

123movies