Tổng kết Khoá tập huấn phòng trừ sinh vật gây hại trên cây ăn quả có múi tại các tỉnh Bắc Trung Bộ

Ngày đăng: 21/10/2022 Lượt xem 2733
Trung tuần tháng 10 vừa qua, Dự án ARISE+ Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức khóa khóa tập huấn “Phòng trừ sinh vật gây hại trên cây có múi”. Sau 10 ngày (từ 11/10-20/10), khóa tập huấn đã giúp cán bộ kỹ thuật của 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hiểu đầy đủ và sâu hơn về cách thức phân loại, giám định các sinh vật gây hại chính trên cây có múi.
Đại diện học viên của khóa học, ông Lê Quang Vinh, chuyên viên của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết “thông qua lớp học, các học viên đã được tiếp cận phương pháp điều tra, thu mẫu giám định chính xác các đối tượng sinh vật gây hại chính, đồng thời thảo luận và đưa ra các biện pháp phòng chống hiệu quả theo cách có lợi cho sức khỏe của cây trồng và môi trường”. Ngoài bài giảng và thực hành trên lớp, các học viên còn được đi thực địa tại vườn cam của huyện Tân Kỳ (Nghệ An) và được hướng dẫn tại chỗ về những triệu chứng gây hại của các loài sinh vật gây hại, đồng thời thực hành quy trình lấy mẫu. 


Các học viên đi thực địa tại vườn cam tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An

Đánh giá về kết quả khóa tập huấn này, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, khoá tập huấn đầy đủ các nội dung cả về lý thuyết và thực tiễn. Sau khoá học, các học viên sẽ sử dụng kiến thức thu được để tham mưu, hỗ trợ cho địa phương chỉ đạo sản xuất an toàn, hướng tới sản xuất hàng hoá để xuất khẩu. Phó Cục trưởng cũng bày tỏ mong muốn chuyên gia dự án sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ giải đáp những thắc mắc của học viên về giám định sinh vật gây hại và đưa ra biện pháp phòng trừ không chỉ trên cây có múi mà cả trên nhiều loại cây trồng khác của địa phương (cây ăn quả có tiềm năng xuất khẩu, ớt, sen…), đặc biệt là cây dược liệu.


Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại buổi bế mạc khoá học

Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được coi là cơ hội để trái cây Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào thị trường lớn, có giá bán cao. Tuy nhiên, theo quy định, hàng trái cây muốn xuất khẩu vào thị trường các nước EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về: an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất gây ô nhiễm trong thực phẩm. Điều này đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn. Ông Peter Bernhardt, Tư vấn trưởng Dự án ARISE + Việt Nam cho biết, đây cũng là một trong những lý do chính mà EU hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác bảo vệ thực vật tại địa phương. Nhiệm vụ của cán bộ bảo vệ thực vật là phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốcbảo vệ thực vật, phân bón hoá học một cách hợp lý nhất. “Tôi cũng hy vọng hỗ trợ này của dự án sẽ giúp cho người nông dân Việt Nam hiểu hơn nữa về những phương pháp sản xuất nông nghiệp bền vững” ông Peter Bernhardt bày tỏ.
 

Tin liên quan

123movies