Ngày 16/6/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra “Hội nghị Phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam” do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức, dưới sự Chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Quốc Doanh. Tham gia Hội nghị còn có đại diện các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; một số cơ quan nghiên cứu như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Bảo vệ thực vật, Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam(VIPA), Hiệp hội Croplife Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV trên cả nước; 22 Chi cục Trồng trọt và BVTV ở các tỉnh phía Nam; một số phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy; chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và sử dụng thuốc BVTVSH; một số cơ quan truyền thông của trung ương và địa phương.
Hội nghị này là dịp để các cơ quan quản lý và các bên liên quan đánh giá tình hình sản xuất, đăng ký,kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc BVTVSH nói riêng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thông qua kết quả đánh giá và thảo luận, Hội nghị đề ra các giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu đến năm 2025 tăng số lượng thuốc BVTVSH đăng ký đạt 30%, tăng số lượng thuốc BVTVSH sử dụng lên 20%, tăng mô hình, diện tích sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 3-5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc BVTV SH so với hiện nay. Các nhóm giải pháp được đưa ra tập trung vào cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, tiêu chuẩn - quy chuẩn, hợp tác quốc tế,hợp tác công-tư, xây dựng chuỗi liên kết và tập huấn, truyền thông, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất về vai trò, lợi ích trước mắt và lâu dài của việc sử dụng các chế phẩm sinh học và thuốc BVTVSH, và hạn chế thuốc hóa học. Công tác truyền thông cần đặc biệt quan tâm đến người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng lựa chọn các loại thực phẩm được sản suất theo GAP, hữu cơ… sẽ tạo động lực để người sản xuất hạn chế sử dụng thuốc hóa học và chuyển sang sử dụng thuốc sinh học;
2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khuyến nông. Hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất nông sản an toàn để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, đồng thời sử dụng các loại thuốc BVTVSH thay thế các thuốc hóa học nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường;
3. Tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm, lành mạnh hóa thị trường nông sản sạch, an toàn, sản phẩm hữu cơ… nhằm khuyến khích nông dân và doanh nghiệp sản xuất và cung ứng nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn, từ đó khuyến khích sử dụng thuốc BVTVSH thay thế thuốc hóa học.
4. Đặt hàng và ưu tiên bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển và sản xuất thuốc BVTVSH phục vụ sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời,ưu tiên nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử chế phẩm sinh học. Tăng cường đào tạo cán bộ, hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng thuốc BVTVSH. Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu để đầu tư nghiên cứu, phát triển thuốc BVTVSH tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp khoa học công nghệ được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công-tư trong lĩnh vực này.
5. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký thuốc BVTVSH. Tăng cường và nâng cao chất lượng quản lý các loại thuốc này trên thị trường để tránh bị các doanh nghiệp xấu lợi dụng đưa ra thị trường các loại thuốc kém chất lượng làm mất lòng tin của người sử dụng đối với thuốc BVTVSH.