Nhìn lại dịch rầy hại lúa bộc phát ở các nước Đông Nam Á

Ngày đăng: 05/04/2011 Lượt xem 12616

Mới đây tại Băng Cốc, Thái Lan, Viện Nghiên cứu Lúa Quốc Tế (IRRI) và Tổ chức Lương nông Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (FAO) đồng chủ trì tổ chức hội nghị chuyên đề về “Rầy hại lúa bộc phát và chính sách quản lý thuốc bảo vệ thực vật”.

Tại hội nghị này đã chính thức công bố rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa đã và đang bộc phát tại các nước trồng lúa ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc từ 2006; sự bộc phát của rầy hại lúa kéo theo dịch bệnh vi rút vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu truyền bệnh và bệnh lùn sọc đen phương Nam do rầy lưng trắng truyền bệnh ngày phát sinh gây hại nặng tại hầu hết các nước này.

Mới đây, trong đầu tháng 3/2011, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã gây thiệt hại nặng tại nhiều vùng trồng lúa ở Trung Java, Indonesia, đã khiến nước này gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong quý 1/2011 để đảm bảo an ninh lương thực. Cũng trong tháng 3/2011, dịch bệnh tiếp tục phát sinh gây hại nặng cho khỏang 48.000 ha lúa tại một số tỉnh Ayutthaya, Chainat, Suphan Buri và Singburi, Thái Lan. Mật số rầy nâu bay vào đèn dày đặc vào chiều tối đã khiến một vài dịch vụ như cửa hàng ăn uống phải đóng cửa.

Đánh giá nguyên nhân bộc phát của rầy hại lúa, Tiến sỹ Kenmore (FAO) đã tổng kết: “Cũng tương tự với nguyên nhân lần bộc phát rầy nâu trên toàn cầu lần thứ nhất (năm 1984); gieo trồng 2-3 giống nhiễm rầy trên diện rộng; bón dư thừa phân đạm và lạm dụng phun thuốc trừ sâu, nhất là các lần phun thuốc sớm trong giai đoạn lúa đẻ nhánh đã tiêu diệt quần thể ký sinh thiên địch tự nhiên trong ruộng lúa, gây suy giảm các dịch vụ sinh thái ruộng lúa”.

Rầy hại lúa bộc phát lần này tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á gắn liền với sự gia tăng sản xuất thuốc BVTV tại Trung Quốc (trở thành nước sản xuất và xuất khẩu thuốc số 1 thế giới từ năm 2004) và lượng thuốc nhập khẩu gia tăng nhanh của các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó là chiến lược tiếp thị rầm rộ của các Công ty thuốc nhằm khuyến khích nông dân sử dụng các loại thuốc hiệu lực thần kỳ, diệt sâu nhanh, áp dụng quy trình “IPM kiểu mới”, nghĩa là phun thuốc theo định kỳ theo sự tăng trưởng của cây lúa; chiêu khuyến mãi lớn mua thuốc trúng thưởng tivi màu, xe gắn máy, chuyến du lịch nước ngòai, mua thuốc ghi sổ,trả chậm,v.v. đã dẫn đến tình trạng nông dân lạm dụng phun thuốc.

Định hướng giải pháp ngăn chặn sự bộc phát của rầy hại lúa tại các nước ASEAN trong thời gian tới tập trung vào 2 nội dung chính: Gia tăng các dịch vụ sinh thái ruộng lúa bằng việc ứng dụng các biện pháp thân thiện với mội trường như nhân nuôi nấm ký sinh sâu rầy, công nghệ sinh thái, IPM,..; Tăng cường quản lý chuỗi hoạt động kinh doanh mua bán thuốc trừ sâu từ khâu nhập khẩu, gia công, đóng gói, lưu thông, mua bán, sử dụng, quảng cáo, hội thảo thuốc..

Từ hội thảo này, nhìn lại trân dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL, LXL) ở các tỉnh phía Nam từ năm 2005-2006 cũng diễn ra tương tự. Tuy nhiên, dịch rầy nâu truyền bệnh VL, LXL đã được nhanh chóng ngăn chặn và đẩy lùi liên tiếp trong 13 vụ lúa kể từ vụ lúa Đông Xuân 2006-2007 cho đến vụ Đông Xuân 2010-2011 vừa qua, năng suất, sản lượng lúa gia tăng liên tục hàng năm, đảm bảo an ninh lượng thực và giữ vững vi thế nước xuất khẩu gạo hàng thứ 2 thế giới. Nguyên nhân thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh lúa đã là bài học kinh nghiệm lớn đóng góp cho các quốc gia trồng lúa trong khu vực và thế giới.

Giải pháp chủ yếu của chúng ta đã làm trong thời gian qua cũng phù hợp với định hướng chung của hội nghị Băng Cốc vừa rồi, đó là: (1) Các giải pháp phòng bệnh như gieo sạ tập trung, đồng loạt và né rầy, ba giảm ba tăng, một phải năm giảm; nấm ký sinh phòng trừ sâu rầy, IPM, công nghệ sinh thái (ruộng lúa, bờ hoa), hạn chế phun thuốc trừ sâu trong giai đoạn lúa đẻ nhánh,v.v.., đã làm gia tăng hoạt động của dịch vụ sinh thái đồng lúa được bền vững, giảm áp lực rầy di trú vào cuối vụ lúa; (2) Quản lý tốt chuỗi kinh doanh thuốc BVTV, thể hiện qua biểu đồ lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu hàng năm biến động tương ứng khá rõ với diện tích lúa bị nhiễm rầy, từ 2008 đến nay lượng thuốc trừ sâu nhập khẩu giảm hẵn, dừng ở mức trung bình của nhiều năm từ 2005 trở về trước, trước khi dịch bộc phát.

Mặc dù tình hình rầy nâu và dịch bệnh VL, LXL ở nước ta đang ở mức thấp, có kinh nghiệm phòng chống dịch, nhưng nguy cơ tái bộc phát của dịch bệnh vẫn còn lơ lững trước mắt bởi mấy căn nguyên sau đây:

- Hai giải pháp lớn trong phòng chống dịch của ta nêu trên rất dễ bị phá vỡ từ khâu quản lý chuỗi kinh doanh thuốc và các chiến lược khuyến mãi, tiếp thị, quảng cáo, hội thảo rầm rộ của các công ty kinh doanh thuốc khuyến khích nông dân lạm dụng sử dụng thuốc BVTV, phun nhiều lần trong suốt 1 vụ lúa, phun theo chu kỳ tăng trưởng của lúa từ lúc ngâm ủ giống cho đến trước khi gặt.

- Do áp lực giá lúa cao vào một số thời điểm trong năm đã kích thích nông dân gia tăng gối vụ, tăng vụ, gieo sạ kiểu da beo trước đây, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương v.v. sẽ làm cầu nối cho sâu rầy liên tục lây lan, phát sinh gây hại.

- Tỉ lệ nông dân biết cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào đồng ruộng vẫn chưa được nhiều, mới chỉ khỏang 30%, ngân sách Nhà nước cấp cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền tập huấn, hội thảo đầu bờ cho nông dân còn khá hạn chế so với chi phí cho hoạt động này của các Công ty kinh doanh thuốc;

Xem ra việc quản lý rầy hại lúa cũng còn nhiều việc phải làm nhằm mục đích bảo vệ sản xuất lúa gạo ở nước ta theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa bền vững.

Tin liên quan

123movies