Hiện nay, ngành bảo vệ thực vật (BVTV) đang đứng trước tình hình mới phải đối mặt với một số vấn đề như: biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp có thể làm sinh vật gây hại gia tăng, yêu cầu về an toàn thực phẩm và môi trường trong nước và các thị trường quốc tế ngày càng cao; các nước nhập khẩu dựng rào cản kỹ thuật gây khó khăn trong xuất khẩu nông sản, ... Trong khi đó, công tác quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều khó khăn, hệ thống ngành BVTV sẽ thay đổi theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của BCH Trung ương, các Trạm Trồng trọt và BVTV cấp huyện được sát nhập, chuyển đổi thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có những thuận lợi về khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp đang phát triển mạnh; xu hướng liên kết sản xuất an toàn và sản xuất hữu cơ tăng nhanh. Vì vậy, ngày 15/5/2018 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị “Định hướng công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới” nhằm tìm kiếm các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVTV hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị với sự tham dự của hơn 350 đại biểu đến từ các đơn vị quản lý, các tổ chức quốc tế, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: Đại diện các sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh thành, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Sáng kiến Phát triển bền vững Việt Nam (IDH), ...
Bên cạnh những thuận lợi, báo cáo của ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV tại hội nghị cũng nêu ra những khó khăn, thách thức đã và đang phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của ngành BVTV như: biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, công tác quản lý vật tư nông nghiệp, thiếu các cơ sở dữ liệu và căn cứ khoa học trong việc loại bỏ các loại thuốc kém chất lượng, gây độc hại cho con người và môi trường…
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, hội nghị đưa ra một số một số định hướng trong tổ chức phòng chống sinh vật gây hại, tổ chức liên kết sản xuất đảm bảo ATTP và bảo vệ môi trường, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực quản lý phân bón, thuốc BVTV; đồng thời đề xuất các giải pháp ở các khía cạnh như: cơ chế- chính sách, khoa học kỹ thuật, đào tạo- tập huấn, thông tin, truyền thông, thanh tra, kiểm tra. Thêm vào đó, một số kiến nghị với Chính Phủ, các cấp các ngành quản lý từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức, đơn vị có liên quan cũng được đề xuất.
Thông qua Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực của các đơn vị, các doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, phát triển ngành BVTV nói riêng để công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả và tạo nền tảng cho sự phát triển nông nghiệp bền vững.