Tên khoa học của sâu cuốn lá chuối

Ngày đăng: 08/10/2014 Lượt xem 11318

 

Erionota thrax (Linnaeus) được dùng trong các tài liệu “Essai d’un traite d’entomologie Indochinoise” (Vitalis de Salvaza, 1919), “Kết quả điều tra côn trùng và bệnh cây ở các tỉnh miền Nam năm 1977-1978” (Viện Bảo vệ thực vật, 1999), “Côn trùng và nhện gây hại cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long và biện pháp phòng trị” (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2000).

 

Hình 1. Bướm sâu cuốn lá chuối trong sách “Côn trùng và nhện gây hại cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long và biện pháp phòng trị” (Nguyễn Thị Thu Cúc, 2000)

 

Các tên khoa học của sâu cuốn lá chuối nêu trên khác nhau ở tên loài là “thorax” và “thrax”. Xét riêng hai từ la tinh này đều có thể tồn tại, còn ở đây có thể là “lỗi chính tả”. Mặt khác, cứ cho là “lỗi chính tả” thì cũng cần khẳng định cách viết nào là đúng. Với tư duy như vậy, tác giả bài viết này đã kiểm tra lại tên khoa học của loài sâu cuốn lá chuối.Mẫu nghiên cứu là các mẫu bướm của loài sâu cuốn lá chuối hiện đang được bảo quản trong bộ mẫu côn trùng của Viện Bảo vệ thực vật, bao gồm 05 mẫu điều tra năm 1967-1968, 03 mẫu điều tra năm 1977-1980 ở miền Nam, 06 mẫu điều tra ở Tam Đảo năm 2001-2002 và 05 mẫu thu thập được trong các điều tra năm 2006-2010. Tài liệu phân loại được sử dụng gồm “Field guide to the butterflies of Thailan” (Boonsong Lekagul, 1977), “Monograph of Chinese butterflies” (Chou Io, 1994) và “Các loài bướm phổ biến ở Việt Nam” (Monastyrskii, Devyatkin, 2002).Kết quả xác định cho thấy tất cả 19 mẫu bướm cuốn lá chuối đã thu thập ở nhiều nơi tại Việt Nam, hiện đang được bảo quản trong bộ mẫu côn trùng tại Viện Bảo vệ thực vật đều có các đặc điểm giống với loài Erionota torus Evans ở trong tài liệu của Boonsong Lekagul (1977), Chou Io (1994), Monastyrskii và Devyatkin (2002). Với kết quả này cho phép khẳng định các mẫu bướm của sâu cuốn lá chuối đã thu thập tại nhiều nơi ở Việt Nam và đang được bảo quản tại Viện Bảo vệ thực vật có tên khoa học là Erionota torus Evans.

 

Theo Monastyrskii và Devyatkin (2003), trong giống Erionota (họ Hesperiidae) ở Việt Nam đã phát hiện có 4 loài, trong đó có loài Erionota torus Evans và phân loàiErionota thrax thrax (Linnaeus). Đồng thời các tác giả này đã khẳng định sâu cuốn lá chuối ở Việt nam là loài Erionota torus Evans (Monastyrskii, Devyatkin, 2002). Như vậy, kết quả xác định của chúng tôi (nêu trên) trùng với kết quả củaMonastyrskii và Devyatkin (2002).

 

 

Hình 2. Bướm sâu cuốn lá chuối chụp từ mẫu của Viện Bảo vệ thực vật (P.V. Lầm, 2012)

 

 Với những gì trình bày ở trên, một lần nữa khẳng định sâu cuốn lá chuối ở Việt nam có tên khoa học là Erionota torus Evans. Tên khoa học Erionota torus Evans cần được sử dụng thay cho tên Erionota thrax (Linnaeus) và Erionota thorax Linnaeus. Trong sách “Côn trùng và động vật hại nông nghiệp Việt Nam” (đang in tại Nxb Nông nghiệp), tác giả bài viết này cũng đã đề nghị sửa tên khoa học Erionota thrax (Linnaeus) của sâu cuốn lá chuối (trong bản thảo) thành tên Erionota torus Evans trong bản in chính thức.

 

Trong hai tên khoa học (nêu ở đầu bài viết) đã sử dụng trước đây cho sâu cuốn lá chuối thì tên Erionota thorax Linnaeus không có trong phân loại côn trùng họ Hesperiidae; mặt khác, mặc dù trong sách “Kết quả điều tra côn trùng năm 1967-1968” (Viện Bảo vệ thực vật, 1976) đã ghi là Erionota thorax Linnaeus, nhưng mẫu vật thì lại có phiếu ghi tên là Erionota thrax (Linnaeus). Điều này có nghĩa là tênErionota thorax Linnaeus viết sai. Trong khi đó, tên Erionota thrax (Linnaeus) có trong phân loại họ Hesperiidae và tên này được ghi trên phiếu tên khoa học cắm ở mẫu vật điều tra năm 1967-1968 (do chuyên gia Trung Quốc giám định). Khu hệ bướm họ Hesperiidae ở Việt Nam đã ghi nhận được loài này với phân loài Erionota thrax thrax (Linnaeus) (Monastyrskii, Devyatkin, 2003).

 

 

 

 

Tin liên quan

123movies