Cùng thực hiện chương trình công nghệ sinh thái

Ngày đăng: 28/02/2011 Lượt xem 1265

Tại hội thảo “Phác họa vật liệu thông tin về chương trình công nghệ sinh thái tại tỉnh An Giang vừa tổ chức mới đây, Nhà côn trùng học K.L.Heong thông tin một số vấn đề trọng tâm về bảo vệ thực vật tại các nước nông nghiệp trên thế giới. Đồng thời khẳng định, thuốc trừ sâu và dịch hại tại các nước này đang làm dịch vụ sinh thái yếu đi. Nếu sử dụng thuốc trừ sâu để trừ sâu cuốn lá thì sẽ làm tăng khả năng cháy rầy gấp 10 lần, do khả năng kháng thuốc trừ sâu của rầy nâu. Điều đáng lưu ý là có loại thuốc mà con rầy nâu có thể kháng đến 59 lần. Nguyên nhân chủ yếu mà các nhà nghiên cứu nghĩ đến đầu tiên là do chúng ta sử dụng thuốc quá nhiều lần. Tổ chức Lương nông Quốc tế điều tra số lượng nhập khẩu thuốc trừ sâu ở các nước cho thấy, Việt Nam là một trong những nước hằng năm tăng lượng thuốc trừ sâu rất cao. Đồng thời, qua phỏng vấn gần 400 nông dân tại các nước cũng cho thấy, vấn đề phân bón sử dụng tăng gấp đôi, thuốc trừ sâu tăng gấp hai đến gấp ba; trong khi năng suất lúa vẫn không tăng, sức khỏe của con người thì ngày càng suy giảm. Từ các loại bệnh trên cây (nhất là bệnh vi-rút) cộng với sức khỏe đồng ruộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của sản xuất nông nghiệp. Ông K.L.Heong nói: “Tôi rất ấn tượng với những ruộng có trồng hoa ở Việt Nam và đặc biệt ấn tượng với những loại cây thiên nhiên khác mọc quanh ruộng. Đó là hệ sinh thái tự nhiên, là điều rất cần thiết cho tính bền vững của sản xuất lúa”.

 

Ruộng lúa bờ hoa.

Dự án IRRI – ADB – Rice planthopper là dự án tập trung phát triển các biện pháp bền vững, nhằm giảm thiểu sự tổn thất trong sản xuất lúa gạo do dịch hại từ rầy nâu. Dự án đã đưa ra khái niệm “công nghệ sinh thái” và các kỹ thuật phát triển, với mục đích khôi phục lại sự đa dạng sinh học của công nghệ sinh thái, đảm bảo môi trường tự nhiên, giữ mật số dịch hại ở mức thấp nhất, không gây ra sự mất mát về năng suất và chúng ta không cần xử lý thuốc trừ sâu. Áp lực lớn về sâu bệnh và ô nhiễm môi trường do kỹ thuật canh tác có quá nhiều phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật đang là vấn đề còn tồn tại. Do đó, để vượt qua những thách thức tồn tại từ những năm qua, An Giang đã sớm tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mới thông qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp kỹ thuật mới như: Chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… Kết quả, đã mang lại hiệu quả khả quan góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng suất, phẩm chất, lợi nhuận, hạn chế ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Và, mới đây nhất, chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” do Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI triển khai thực hiện thí điểm trên cây lúa tại tỉnh Tiền Giang và An Giang đang mở ra cách nhìn mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Huỳnh Thế Năng nhấn mạnh: “Tôi hy vọng việc triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái này sẽ tạo ra bước đột phá cho chương trình kiến thiết lại đồng ruộng ở cấp cộng đồng, nhắm đến các mục tiêu lâu dài như nông dân cùng tổ chức làm việc theo cộng đồng, cùng áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường”.

Bài, ảnh: HỒNG TRANG

 

Theo đại diện Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI, Nhà côn trùng học K.L.Heong, dự án IRRI – ADB – Rice planthopper sẽ hỗ trợ kinh phí để tỉnh An Giang thực hiện Chương trình “Công nghệ sinh thái” thông qua mô hình trồng cây có hoa trên ruộng. Qua đó, nhằm làm thay đổi cách nhìn và cách thực hiện, giúp người nông dân giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu vốn phá hủy hệ sinh thái đồng ruộng.

 

Tin liên quan

123movies