Làm gì để giảm phun thuốc trừ sâu ?

Ngày đăng: 18/01/2011 Lượt xem 1500

Làm gì để giảm phun thuốc trừ sâu ? Triễn vọng ứng dụng công nghệ sinh thái trong thâm canh lúa nước ở miền Bắc và Bắc Trung bộ.

TS. Nguyễn Hữu Huân

Ngày 10/9/2010, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng đã chính thức phát động mở rộng ứng dụng công nghệ sinh thái trên nền “ba giảm, ba tăng” trong thâm canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long từ vụ Đông Xuân 2010-2011.

Sự kiện này xuất phát từ thành quả áp dụng trên đồng lúa ở huyện Cái Bè và Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trong các vụ lúa Đông Xuân 2009-2010, Hè Thu sớm và Hè Thu chính vụ 2010 và tại tỉnh An Giang từ vụ lúa Hè Thu và Thu Đông 2010.

Tại các điểm trình diễn này do một nhóm nông dân từ 10-30 người cùng làm trên cánh đồng 30 ha. Nông dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác tiên tiến, áp dụng biện pháp gieo sạ “né rầy” và hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu bằng cách trồng các loại cỏ có hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch. Chọn những loại hoa có màu sắc và hương thơm phù hợp, nhiều mật và phấn hoa để thu hút thiên địch vì đa số giai đọan trưởng thành của chúng đều cần loại thức ăn này để bỗ xung năng lượng. Hơn nữa, các loại cây có hoa này phải dễ trồng, cần ít chăm sóc và có thể trổ hoa quanh năm. Hoa được trồng nhân giống trước trên bờ ruộng để làm thế nào khi xuống giống lúa thì đã có sẵn hoa trên bờ xung quanh ruộng nhằm thu hút thiên địch ngay từ ban đầu. Một số loại cỏ có hoa được chọn để triển khai trong việc nhân rộng mô hình là: Sài đất (Wedilia chinensis), Xuyến chi (Bidens pilosa), cúc Gót (Colobogyne sp.) và cỏ Cứt heo (Agelatum conyzoides).

Đặc điểm là chúng có nhiều hoa với mật, phấn hoa và hương thơm thu hút nhiều côn trùng thiên địch mà lại dễ trồng, ít chăm sóc, không che rợp lúa và ra hoa quanh năm. Nông dân chăm sóc đồng ruộng của họ như thường, còn cán bộ kỹ thuật bố trí thí nghiệm để theo dõi và đánh giá hiệu quả của mô hình vào 4 giai đoạn sinh trưởng của lúa là mạ, đẻ nhánh, làm đồng và trổ. Một bẫy đèn được bố trí ở một góc của mô hình, các loại bẫy khác được bố trí trong ruộng lúa để theo dõi mật số rầy và thiên địch trong ruộng mô hình và cả ruộng đối chứng của nông dân ở ngoài mô hình.

Kết quả điều tra so sánh diễn biến mật số rầy nâu và ký sinh, thiên địch trong khu ruộng có trồng hoa (mô hình) và ruộng nông dân không có trồng hoa (đối chứng) cho thấy: mật số rầy nâu ở ruộng đối chứng cao gấp hai lần so với ruộng mô hình ở giai đọan lúa làm đòng và ngậm sữa; trong khi ruộng mô hình có mật số ong ký sinh và thiên địch ăn mồi đều cao hơn so với ruộng đối chứng từ giai đọan lúa đẻ nhánh cho đến ngậm sữa.

Trong ruộng mô hình, nông dân rất phấn khởi vì không phải phun thuốc trừ sâu lần nào trong suốt các vụ lúa, năng suất lại tăng. Mô hình này được nhóm nông dân tiếp tục duy trì cho các vụ lúa sau.

Mô hình công nghệ sinh thái có bố trí bẫy đèn để theo dõi rầy nâu và trồng cỏ có hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch.

Trong khi cánh đồng lúa ở Nam bộ có bờ vùng, bờ thữa nhỏ, nông dân phải tận dụng bờ vùng vừa đủ để trồng hoa thu hút thiên địch thì nhiều cánh đồng lúa ở miền Bắc và Bắc Trung bộ lại có sẵn hoa xuyến chi (Bidens pilosa) mọc dại dọc hai bên bờ vùng.

Tuy nhiên, nông dân vẫn phải phun thuốc để trừ sâu rầy, phun nhiều lần như trong các đợt dịch rầy lưng trắng truyền bệnh lùn sọc đen vừa qua, trong khi lúa ở giai đọan đẻ nhánh, rất ít rầy trong ruộng (ảnh chụp của tác giả tại Thái Bình, vụ Xuân 2010).

Chợt nghĩ “Chỉ cần trồng thêm vài lọai hoa dại màu sặc sỡ, có nhiều mật trên bờ vùng này và chỉ cho nông dân biết lợi ích của chúng thì có lẽ sẽ giúp nông dân giảm được phun thuốc trừ sâu độc hại trên ruộng lúa” Cánh đồng lúa ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đang cần những mô hình mới tương tự như ở miền Nam đã làm và đạt kết quả tốt !

Tin liên quan

123movies