Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác BVTV- Hướng thân thiện môi trường

Ngày đăng: 12/01/2011 Lượt xem 7011

Tổng kết công tác khoa học công nghệ tỉnh An Giang giai đoạn từ 2006 – 2010 vào cuối tháng 12/2010 đã đánh giá kết quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ thực vật (BVTV) đã giúp cho sản xuất lúa của tỉnh phát triển mức cao hơn. Cây lúa phát triển tốt, vượt qua ngưỡng sâu bệnh, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng và tăng năng suất cây trồng. Đáng chú ý là việc ứng dụng kỹ thuật chương trình 1 Phải 5 Giảm (1P5G) giúp nông dân hoàn thiện dần quy trình sản xuất lúa theo hướng thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng hạt gạo hiện nay.

Chi cục BVTV triển khai chương trình 1P5G trong khuôn khổ hợp tác với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) giai đoạn từ năm 2009 đến 2012. Từ vụ Hè Thu 2009 đến nay, tỉnh ta đã triển khai 108 lớp 1P5G cho khoảng 2.518 nông dân, diện tích áp dụng trên 3.360ha. Trong đó, 15 lớp do kinh phí IRRI tài trợ, 18 lớp từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh và 4 lớp do từ nguồn tài trợ của các Dự án khác. Hằng tuần, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân thăm đồng để đánh giá các thí nghiệm đồng ruộng và điều tra phát hiện, hướng dẫn nông dân những giải pháp xử lý tình huống có thể xảy ra, đồng thời tập huấn các chuyên đề theo 1P5G như sử dụng giống lúa từ cấp xác nhận trở lên, khuyến cáo về mật độ gieo sạ, các công thức bóp phân, phương pháp 4 đúng, quản lý kiểm soát sâu bệnh trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Điều này cho thấy, canh tác lúa theo 1P5G giúp giảm sử dụng hóa chất trên đồng ruộng, làm cho môi trường sống ở nông thôn được cải thiện và nhất là môi trường nước ở các hệ thống kênh, rạch tốt hơn. Số lần bơm nước theo 1P5G ít hơn từ 1,2 lần/ vụ; tỷ lệ đổ ngã do áp dụng kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ hay còn gọi là tưới nước tiết kiệm, ở ruộng thí nghiệm tỷ lệ đổ ngã chiếm 17,8% so với ruộng đối chứng là 47,5%. Năng suất ổn định, tuy nhiên do tiết kiệm chi phí giá thành thấp, trung bình ruộng trình diễn giảm 282 đồng giảm 12,8% vụ Đông Xuân và 553 đồng giảm 17,6% vụ Hè Thu. Lợi nhuận của ruộng trình diễn đạt cao hơn ruộng đối chứng 4.434.000 đồng/ha ở vụ Đông Xuân và 3.488.000 đồng/ha ở vụ Hè Thu.

Để ứng dụng chương trình 1P5G theo hướng chuyên sâu hơn, Chi cục BVTV phối hợp với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long triển khai Dự án chuyển giao quy trình nhân nuôi nấm xanh tại quy mô nông hộ, do Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Phòng trừ sinh học của Viện Lúa, triển khai nhân nuôi mấm xanh ở 11 huyện thị thành trong tỉnh. Qua tập huấn, có 330 nông dân được trang bị kiến thức về nhân nuôi nấm xanh. Qua đó hầu hết nông dân đều nắm bắt kỹ thuật có khả năng tự sản xuất nấm xanh tại gia đình. Và đã có 4.669 túi nấm thành phẩm phun xịt trên 220ha mô hình trình diễn sử dụng nấm xanh rầy trừ rầy nâu bảo vệ lúa. Chi cục BVTV cho biết, hiệu lực sản phẩm nấm xanh khi phun tăng dần từ 7 ngày đến 21 ngày, từ 12,5% đến 86%.

Nếu tính bình quân trên 11 điểm hiệu lực nấm xanh sau 7 ngày là 34,6%, sau 14 ngày là 61% và sau 21 ngày là 63,9%. Đặc biệt đã giúp nông dân làm quan với khái niệm phòng trừ sinh học và cũng cố nguyên tắc IPM trong canh tác lúa. Riêng vụ Thu Đông vừa qua, Chi cục BVTV mở thêm 2 lớp tập huấn nấm xanh ở huyện Chợ Mới và Thoại Sơn, giúp nhiều hộ nông dân tiếp cận với kỹ thuật phòng trừ rầy nâu bằng sinh học mới. Từ những kết quả trên, trong vụ Đông Xuân năm nay, Chi cục BVTV sẽ mở 33 lớp nhân nuôi nấm xanh ở 11 huyện thị thành, giúp bà con nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong quản lý dịch bệnh bảo vệ cây trồng mà thân thiện với môi trường.

Ngoài ra vụ Đông Xuân này, Chi cục BVTV còn thực hiện một số điểm mô hình công nghệ sinh thái đồng ruộng, tức là chọn những ruộng có điều kiện tự nhiên phù hợp, ruộng có bờ bao rộng, có điều kiện nước tưới tốt để trồng hoa dẫn dụ thiên địch và không sử dụng thuốc trừ sâu. Mục đích của mô hình là tạo điều kiện môi trường sinh thái cho quần thể thiên địch trên ruộng lúa phát triển và thu hút các loài thiên địch, đặc biệt là các loài ong ký sinh, nhện, bọ rùa, v.v…, đảm bảo cân bằng sinh thái đồng ruộng. Những loài thiên địch này sẽ ăn loại sâu rầy có hại từ đó hạn chế bộc phát dịch hại góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đồng ruộng càng tỏ ra tính hiệu quả thiết thực, nông dân áp dụng đều thu được kết quả, vừa tăng hiệu quả kinh tế, tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận cho nông dân. Hy vọng, trong thời gian tới, những tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao sẽ được bà con nông dân hướng ứng tích cực hơn, nhất là cùng chung tay áp dụng tốt chương trình 1P5G trên ruộng lúa của mình sẽ giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho nông dân.

 

Tin liên quan

123movies