Lợi bất cập hại khi hỗn hợp thuốc trừ rầy

Ngày đăng: 10/10/2011 Lượt xem 10386

Như chúng ta đã biết buprofezin - một chất ức chế sinh tổng hợp chitin (chống lột xác), và chlorpyrifos là một chất ức chế men acethylcholinesterase (ACHE) của con rầy; cả hai loại chất này đều có kiểu tác động để trừ rầy nâu. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học cũng đã phát hiện là rầy nâu đã kháng rất cao với các loại thuốc có kiểu tác động ức chế men ACHE (như chlorpyrifos), trong khi sự kháng thuốc buprofezin của con rầy vẫn còn thấp.

Các thí nghiệm trong phòng được bố trí để kiểm chứng cho giả thuyết: Hỗn hợp hai loại thuốc này có làm tăng hoặc giảm hiệu lực trừ rầy nâu so với phun từng loại riêng rẽ? Kết quả thí nghiệm cho thấy rằng: Hiệu lực trừ rầy của thuốc chống lột xác buprofezin bị giảm nhiều khi hỗn hợp nó với chlorpyrifos ở các nồng độ khác nhau so với sử dụng buprofezin riêng rẽ. Kết quả này đã góp phần giải thích thắc mắc của bà con nông dân trong thời gian qua khi sử dụng hỗn hợp này để trừ rầy thì chẳng những không diệt được rầy mà còn làm mật số rầy tăng rất cao.

Thêm vào đó, thuốc chlorpyrifos rất độc đối với ký sinh, thiên địch và động vật thủy sinh trong ruộng lúa, tiêu diệt bọ xít mù xanh (loại thiên địch ăn trứng rầy) mạnh gấp 3 lần so với rầy nâu và gây bộc phát rầy. Như vậy, hỗn hợp chlorpyrifos với buprofezin chẳng những không diệt được rầy mà nó còn tiêu diệt các loài ký sinh, thiên địch có ích và làm mật số rầy gia tăng sau khi phun thuốc.

Người nông dân thường sử dụng hỗn hợp thuốc chlorpyrifos với buprofezin để trừ rầy nâu, họ vô tình không hề biết là chính mình đã làm cho mật số rầy trong ruộng gia tăng cao sau khi phun thuốc, càng phun thì càng bị nhiều rầy hơn.

(Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/45/45/84626/Loi-bat-cap-hai-khi-hon-hop-thuoc-tru-ray-.aspx)

Tin liên quan

123movies