Nguồn bệnh Lùn sọc đen: Bão “rước” virut vào miền Bắc?

Ngày đăng: 09/03/2011 Lượt xem 1297

Xung quanh việc truy tìm tung tích bệnh Lùn sọc đen (LSĐ) tại miền Bắc mà NNVN đã đưa tin, Viện BVTV vừa tiết lộ một giả thiết mới: Rất có thể các cơn bão nhiệt đới đã đưa loại virus nguy hiểm này từ miền nam Trung Quốc đột nhập vào miền Bắc nước ta

Để đưa ra nhận định này, Viện BVTV dựa trên quá trình phát sinh nguồn bệnh tại các tỉnh phía nam Trung Quốc và đường đi của các cơn bão nhiệt đới từ biển Đông đi vào nước ta trong những năm gần đây. Thông tin từ các viện nghiên cứu bệnh thực vật của Trung Quốc cung cấp cho Viện BVTV cho biết từ năm 2001, nhiều diện tích lúa tại các tỉnh phía nam nước này là Quảng Đông và đảo Hải Nam đã xuất hiện bệnh LSĐ. Tuy nhiên đến nay, các cơ quan bảo vệ thực vật của Trung Quốc vẫn chưa có công bố chính thức về chủng virus mới này. Viện BVTV cho biết nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay, Tiểu ban xác định virus mới trên thực vật của thế giới (trong đó có Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á) sẽ tổ chức một cuộc họp để công bố loại virus mới này.

Trở lại vấn đề vectơ môi giới truyền bệnh, Viện BVTV khẳng định virus LSĐ không lây qua hạt giống. Để kiểm chứng, Viện đã lấy 5 mẫu hạt giống vụ mùa năm 2009 tại các diện tích lúa bị bệnh LSĐ ở Nghệ An về gieo trong nhà cách li. Kết quả cho thấy cây lúa phát triển bình thường, không mang virus LSĐ. Giống như khẳng định của TS. Hà Viết Cường (ĐH Nông nghiệp Hà Nội), Viện BVTV cho biết chỉ có rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ mới có khả năng truyền virus LSĐ từ lúa sang lúa. Hai loại rầy này đều thích nghi với khí hậu lạnh và có mặt tại miền nam Trung Quốc từ lâu. Căn cứ vào những điều trên, Viện BVTV nhận định nguồn rầy mang virus LSĐ ở miền nam TQ là rất sớm.

Thêm mối lo cỏ lồng vực

Viện BVTV nêu khuyến cáo: Rầy lưng trắng không chỉ có khả năng truyền virus LSĐ sang ngô mà còn có khả năng truyền sang lúa mì, lúa mạch và cỏ lồng vực – loại cỏ mà ở nước ta chỗ nào cũng có. Viện này lo ngại ngô vụ đông, đặc biệt là vựa ngô Tây Bắc rất có thể sẽ “dính” dịch LSĐ nếu không có biện pháp tiêu diệt nguồn bệnh.

Một kết quả thí nghiệm về khả năng lây bệnh LSĐ trên ngô và lúa cho thấy, chỉ có 50% số rầy lưng trắng mang virus LSĐ có khả năng truyền bệnh cho lúa, trong khi ngô là 75% (có 9 trong tổng số 12 cây ngô đã bị nhiễm bệnh sau khi có rầy lưng trắng mang virus LSĐ chích hút).

Ở nước ta, rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ có mặt từ lâu và ngày càng thích nghi hơn với khí hậu nóng. Điều này giải thích vì sao trong mấy năm gần đây, các quần thể rầy này ngày càng phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, cán bộ Viện BVTV nhận định khả năng 2 loại rầy mang virus LSĐ di cư theo “đường bộ và đường sông” từ Trung Quốc sang miền Bắc nước ta là rất khó. Vì vậy một giả thiết khác đã được đưa ra dựa trên quan sát các cơn bão nhiệt đới trong nhiều năm gần đây. Cụ thể: năm 2001, bão số 5 đổ bộ vào Nghệ An, Hà Tĩnh, áp thấp nhiệt đới vào Thanh Hóa – Nghệ An; năm 2003 bão số 3 vào Nam Định – Thanh Hóa, bão số 5 vào Quảng Ninh – Lạng Sơn; năm 2007 bão số 1 vào Quảng Ninh – Lạng Sơn, bão số 5 vào Hà Tĩnh – Quảng Bình; năm 2009 bão số 4 vào Quảng Ninh – Hải Phòng, bão số 7 vào Quảng Ninh – Thanh Hóa...

Hầu hết các cơn bão này đều đổ bộ vào miền Bắc nước ta sau khi đã càn quét qua khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam – vùng mang dịch LSĐ. Viện BVTV nhận định rất có thể nguồn bệnh đã theo những cơn bão này vào miền Bắc nước ta từ rất lâu, tuy nhiên thời gian ủ bệnh kéo dài và tới năm 2009 bệnh mới bùng phát. Theo Viện BVTV, giả thiết này là rất có thể bởi các tỉnh Tây Bắc Bộ như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên... hiện cũng đã có dịch LSĐ xuất hiện. Bằng chứng thứ hai là dịch LSĐ tại các tỉnh Thái Bình – Nam Định bùng lên mạnh nhất sau cơn bão số 7 năm 2009. Nếu giả thiết này là đúng thì nguy cơ lây lan nguồn bệnh sẽ hết sức phức tạp.

Khuyến cáo của Viện BVTV về bệnh LSĐ:

- Rầy lưng trắng phát triển mạnh nhất vào đầu các vụ SX và tấn công mạnh nhất vào cây trồng ở thời kỳ còn non. Khả năng mắc bệnh LSĐ của ngô và lúa vào thời kỳ này cũng là cao nhất.

- Đối với các diện tích đã xác định nhiễm bệnh LSĐ: tiêu hủy hoàn toàn cây trồng, đặc biệt là cỏ lồng vực. Cày lật đất để diệt mầm bệnh tại chỗ và phá nơi cư trú của rầy.

- Sử dụng các loại thuốc xử lí hạt giống như Enaldo; Cruiser plus... để kháng rầy.

- Phun thuốc trị rầy ngay lúc gieo trồng và duy trì thường xuyên trong vụ.

 

Tin liên quan

123movies