Tỉnh An Giang từng bước hoàn thiện 1.087 trạm bơm điện nhưng cũng chỉ phục vụ tưới tiêu cho khoảng một nửa diện tích. Để thực hiện tưới tiêu cho diện tích canh tác, cần đầu tư khoảng 450 tỷ đồng cho hệ thống công trình đầu mối và thủy nông nội đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Giai đoạn 2011-2015, ngoài nguồn đề nghị hỗ trợ khoảng 100 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh sẽ có kế hoạch thu hút các nguồn vốn từ nhân dân, doanh nghiệp và tín dụng để điện khí hóa việc tưới tiêu. Bên cạnh đó, cơ giới hóa đồng ruộng cũng cần đặc biệt chú trọng. Mục tiêu đến năm 2015, sẽ có ít nhất 40% diện tích cả khu vực vùng đồng bằng và vùng núi sản xuất lúa, thực hiện thu hoạch bằng cơ giới. Do vụ đông xuân có diện tích lúa gieo trồng lớn nhất trong năm (trên 230.000 héc-ta), để bảo đảm lịch thời vụ cho 2 vụ sau, thì nhu cầu cơ giới hóa là cần thiết. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư mới khoảng 960 máy để đạt con số 1.750 máy gặt đập liên hợp, 645 máy gặt xếp dãy… bảo đảm đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch theo tiến độ đã đề ra.
Hiện, toàn tỉnh có 391.000 héc-ta áp dụng “3 giảm, 3 tăng” (khoảng 84% diện tích), phấn đấu thời gian tới diện tích này sẽ đạt trên 95% đối với vùng đồng bằng và 90% đối với vùng núi. Riêng diện tích áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” ít nhất đạt trên 30% đối với vùng đồng bằng, 10% đối với vùng núi, góp phần giảm giá thành sản xuất lúa từ 13% đến 15%. Tới đây, việc thực hiện canh tác theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” phải được nâng chất và cần có thêm những đột phá. Để đạt tiêu chí trên phải thực hiện đồng bộ 2 giải pháp và các hoạt động liên quan. Trước hết, xây dựng chiến lược truyền thông cho chương trình “1 phải, 5 giảm” đến tận vùng sâu, vùng xa, tiến hành xây dựng, cung cấp các mô hình điểm, tư liệu kỹ thuật, đồng thời huấn luyện nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn “1 phải, 5 giảm”; tổ chức xây dụng mô hình “cánh đồng mẫu” nhằm tác động trực quan bằng mắt thấy, tai nghe để nông dân làm theo và nhân rộng.
Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới tới đây, diện tích sản xuất của tỉnh sẽ được mở rộng với khoảng 30% đối với vùng đồng bằng và 10% đối với vùng núi, nên sản lượng lúa sẽ tăng đáng kể. Để giải quyết đầu ra cho hàng triệu tấn lúa, thì yếu tố chất lượng sản phẩm có tính quyết định. Do đó, đáp số cho bài toán này là chất lượng giống lúa, đầu vào của sản phẩm. Hiện nay, hầu hết người sản xuất lúa có xu hướng mua giống ở các cơ sở sản xuất giống, chú trọng phần lớn vào năng suất, thời gian sinh trưởng… mà ít quan tâm đến chất lượng hạt gạo, nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Do vậy, tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ việc quy hoạch, định hướng sản xuất, cung cấp giống lúa theo hướng thương mại hóa, chuẩn hóa chất lượng hạt giống, sản xuất theo yêu cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trong và ngoài nước. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ nâng tỷ lệ nhân giống cộng đồng từ 2,6% năm 2011 (tương đương 14.300 héc-ta) đến năm 2015 đạt 5% (tương đương 27.000 héc-ta). Giải pháp để nâng cao chất lượng hạt giống, ngoài đầu tư cho nghiên cứu, học hỏi, tập huấn, nâng cao tay nghề về sản xuất giống lúa, thực hiện công tác xã hội hóa giống lúa… thì không thể coi nhẹ việc đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho sản xuất giống như máy phân loại, làm sạch hạt giống, máy đo ẩm độ điện tử, máy hút chân không…
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vũ Quang Cảnh nhấn mạnh: Trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ có mặt trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, quyết định sự thành, bại. Do đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới là một tất yếu, mang tính bền vững, đáp ứng xu thế hội nhập… Dự kiến, kinh phí thực hiện tiêu chí về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp là 3.232 tỷ đồng. Cùng với việc quy hoạch, định hướng sản xuất, thì hoạt động khoa học và công nghệ thời gian tới cần đẩy nhanh, đẩy mạnh về cơ sở, coi đó là yếu tố quan trọng vừa mang tính đột phá, vừa là nhu cầu thực tế, có tính lâu dài. Tới đây, tỉnh sẽ đầu tư ứng dụng trong các khâu chọn, nhân giống cây trồng, vật nuôi, bảo quản, chế biến, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao để phát triển nguồn nhân lực, đồng thời quan tâm xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động khoa học công nghệ, chủ động liên kết, tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, bảo đảm tăng năng suất, và chất lượng sản phẩm.
Bài, ảnh : NGUYỄN RẠNG
http://www.baoangiang.com.vn/