Chuối nhiễm bệnh héo rũ
Đến nay có hàng chục ha chuối được nông dân chặt bỏ. Từ năm 2000 người dân xã Đại Hiệp phát triển trồng chuối trên diện tích dọc ven bờ sông Yên lên đến trên 100 ha. Đây được xem là khu vực trồng chuối tập trung lớn nhất tỉnh.
Cách đây 3 năm bệnh bắt đầu xuất hiện, nhưng từ đầu năm đến nay, mức độ lây lan nhanh, do đó bà con đã chặt bỏ. Theo người dân, triệu chứng phát hiện bệnh bắt đầu từ bẹ chuối, lá vàng rồi thối thân. Điểm xuất phát của bệnh bắt đầu từ gốc, sau đó khiến cây chuối héo dần.
Có mặt tại vựa chuối Đại Hiệp, chúng tôi chứng kiến rất nhiều hộ đã chặt đi hàng trăm bụi chuối. Gia đình anh Bùi Quốc Hiếu ở thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp có 5 mẫu đất trồng chuối cho biết: “Trong số diện tích này thì có một nửa đã chết. Do các bụi chuối được trồng sát nhau nên chỉ trong vòng 1 tuần là cây chuối bị bệnh sẽ nhiễm sang những cây khác”.
Trước tình hình bệnh héo rũ Panama bùng phát, xã Đại Hiệp đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc tổ chức tập huấn về xử lý thuốc nhưng đến nay dịch bệnh trên cây trồng này không thuyên giảm mà có xu hướng tăng lên. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Lộc cho rằng, nguyên nhân xuất hiện bệnh héo rũ Panama do bà con độc canh cây trồng trên cùng một diện tích quá lâu. Các bụi chuối được trồng 3 năm liên tiếp, sau đó mới trồng lại nên dẫn tới giống thoái hóa, khả năng kháng bệnh kém. “Phòng NN-PTNT khuyến cáo nông dân chấp nhận chặt bỏ diện tích chuối bị nhiễm bệnh để tạm thời chuyển đổi sang trồng cây hoa màu ngắn ngày, giúp cải tạo đất trước khi trồng lại chuối”, ông Mẫn cho biết.