Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững

Ngày đăng: 10/05/2024 Lượt xem 1282
Ngày 10/5/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật tổ chức “Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững”.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp, với sự tham gia của khoảng 200 khách mời đến từ các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phố có vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng, các Hiệp hội ngành nghề liên quan, đại diện các vùng trồng, cơ sở đóng gói và các đơn vị xuất khẩu. Thứ trưởng Hoàng Trung trực tiếp chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện của Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vât báo cáo đánh giá hiện trạng, định hướng sản xuất bền vững của ngành hàng sầu riêng Việt Nam và báo cáo về việc quản lý MSVT, CSĐG sầu riêng, tình hình vi phạm và các giải pháp. Bên cạnh đó, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá toàn diện thực trạng tổ chức sản xuất để phát triển ngành sầu riêng, cũng như công tác quản lý mã số, duy trì điều kiện của các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng. Từ đó, chỉ ra những tồn tại và hạn chế cần khắc phục, đưa ra các giải pháp nhằm hướng đến sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, những năm qua, sầu riêng đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, tăng thu nhập cho người trồng, đóng góp phát triển kinh tế-xã hội cho nhiều địa phương.
Riêng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn sầu riêng, mang về kim ngạch 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, hiệu ứng tăng xuất khẩu đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch trên diện rộng.
Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh, đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay để sầu riêng Việt Nam đứng vững được trên thị trường thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc, trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Thái Lan, Malaysia…
Theo đó, trước tình trạng tăng trưởng “nóng” về diện tích sầu riêng ở nhiều tỉnh và trên cả nước trong thời gian qua, các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT cần phối hợp với các địa phương rà soát lại những vùng trồng sầu riêng xem những nơi nào phù hợp để tiếp tục phát triển cây trồng này, rà soát lại toàn bộ quy trình canh tác sầu riêng. Đặc biệt, phải xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia mới cho trái sầu riêng tươi, tiêu chuẩn này phải mang tính pháp lý để có cơ sở cho các cơ quan thẩm quyền, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý những cơ sở vi phạm.


Các đại biểu nghe báo cáo tại Hội nghị

Cụ thể, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Trồng trọt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác định quy mô các vùng trồng tập trung bảo đảm phù hợp với quy hoạch và định hướng đã được phê duyệt; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm; xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cho cây sầu riêng.
Các đơn vị khác như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng và Phát triển thị trường  xây dựng các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu và có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các địa phương. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận và không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu nhiều lần. Chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra kiểm dịch đối với các lô hàng sầu riêng xuất khẩu.
Trong khi đó, các địa phương cần chỉ đạo sản xuất phù hợp với định hướng phát triển ngành hàng; giảm thiểu tình trạng phát triển tự phát, đặc biệt là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, vùng bị ảnh hưởng hạn mặn trong mùa khô. Tăng cường vai trò, trách nhiệm, nhận thức của các cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người sản xuất để thực hiện nghiêm túc các quy trình canh tác, thu hái; quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sầu riêng xuất khẩu bảo đảm yêu cầu của thị trường; chủ động thực hiện tốt công tác cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng ổn định, mang lại hiệu quả lâu dài.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn.
Lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, thu hoạch đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư; thực hiện nghiêm việc ghi chép nhật ký sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường tuyên truyền, tập huấn phổ biến các quy định về mã số, quy định của nước nhập khẩu để nâng cao nhận thức cho hội viên và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu; duy trì và cải tiến điều kiện sản xuất tại vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số xuất khẩu…

Tin liên quan

123movies