Hội nghị tổng kết Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Mở rộng phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam”

Ngày đăng: 19/12/2023 Lượt xem 2885
Sau 1,5 năm triển khai, dự án đã được hoàn thành với những kết quả rất đáng ghi nhận. Đã có 65 giảng viên TOT được đào tạo; 9 lớp huấn luyện nông dân nòng cốt (FFS) cho 270 nông dân và xây dựng thành công 02 mô hình quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu (IPM/IPHM) với quy mô 10 ha tại các tỉnh Phú Thọ và Đồng Nai,…Đặc biệt, bộ tài liệu đào tạo cho giảng viên TOT và huấn luyện nông dân (FFS) về quản lý cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây ngô đã được xây dựng.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Trước khi có mô hình việc sử dụng thuốc rất tốn kém chi phí và gây ô nhiễm môi trường. Khi áp dụng mô hình quản lý dịch hại trên cây ngô và sử dụng "bẫy bả chua ngọt" cũng như cái bẫy sinh học, việc sử dụng thuốc giảm 4 lần so với trước đây, hiệu quả kinh tế tăng lên từ 10% đến 15%. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục được hỗ trợ về việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các mô hình để nhân rộng trong thời gian tới".


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung phát biểu tại Hội nghị.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc tại Việt Nam (FAO) cho biết, dự án "Mở rộng hỗ trợ kỹ thuật phạm vi quản lý sâu keo mùa thu bền vững tại Việt Nam" nằm trong Kế hoạch toàn cầu về kiểm soát sâu keo mùa thu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc. Theo đó, giúp các nhà quản lý và nông dân Việt Nam chủ động triển khai các giải pháp quản lý sâu keo mùa thu bền vững để bảo vệ sản xuất, cải thiện sinh kế của nông dân sản xuất nhỏ, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra trên cây trồng và giảm nguy cơ lây lan rộng của đối tượng dịch hại này.

Ông Rémi Nono Womdim nhấn mạnh: "Trong 30 năm nay sâu keo mùa thu vẫn là đối tượng gây ra nặng nề đối với mùa màng ở châu Phi. Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa chất không phải là lựa chọn hiệu quả. Chính vì vậy, điều quan trọng để kiểm soát loại dịch hại này là phải có cách tiếp cận tổng hợp, hài hòa. Khi đề ra những biện pháp kiểm soát rất cần chú ý, đặc biệt là tới nhóm các nông hộ sản xuất nhỏ".


Toàn cảnh Hội nghị

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, từ năm 2019 đến nay, được sự giúp đỡ của FAO, Chương trình quản lý dịch hại trên cây trồng (IPM) đã tổ chức thành công trên diện rộng và hiệu quả trên một số cây trồng như: lúa, rau màu và cây ăn quả…qua đó đã tạo được môi trường sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững, đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Ngoài ra, Chương trình còn mở rộng các mô hình canh tác gắn liền với ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất như: "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến, kỹ thuật gieo sạ, né rầy, sử dụng những chế phẩm sinh học để quản lý sinh vật gây hại, canh tác theo hướng hữu cơ, công nghệ sinh thái…góp phần quan trọng vào sản xuất nông nghiệp bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung khẳng định: "Sâu keo mùa thu là sinh vật gây hại di cư không thể đoán định trước được, cần chuẩn bị các phương án để ứng phó. Cách ứng phó hiệu quả nhất là nâng cao năng lực quốc gia về quản lý sâu keo thông qua các hoạt động từ đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng các giống chống chịu, các kỹ thuật canh tác đối với ngô cho nông dân và địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực để thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo sớm đối với dịch hại này trên mạng lưới bảo vệ thực vật quốc gia và khu vực".

Theo Đỗ Hương (Báo Điện tử Chính phủ)

Tin liên quan

123movies