Chiều ngày 7/7/2022, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức hội nghị công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và tập huấn các quy định liên quan. Tại Cục Bảo vê thực vật đã có hơn 60 đại biểu tham dự là đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Đắc Nông, Đắc Lắc, đại diện đại sứ quán Úc, tổ chức tài chính ngân hàng thế giới IFC và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, các cơ quan báo chí. Ngoài ra, Hội nghị còn có hơn 170 đại biểu tham dự trực tuyến đến từ các đơn vị liên quan tại đầu cầu các tỉnh trên cả nước. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chủ trì Hội nghị.
Tiếp theo, ngay sau lễ công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, vào ngày 8/7/2022, Cục BVTV sẽ tổ chức tập huấn các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh leo xuất khẩu cho các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, xây dựng bộ tài liệu đầy đủ, toàn diện về các yêu cầu liên quan từ phía Trung Quốc và cách thức triển khai thực hiện những yêu cầu đó trong điều kiện thực tế của Việt Nam để các địa phương có thông tin tham khảo.
Hội nghị lần này được tổ chức nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính thức và thông thông báo rộng rãi các yêu cầu về kiểm dịch đối với quả chanh leo tươi nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc tới các đơn vị quản lý liên quan, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc được biết và nhanh chóng triển khai.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật giới thiệu về quá trình đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La Dương Gia Định phát biểu tại Hội nghị Kể từ đầu tháng 7/2022, chanh leo của Việt Nam được phép xuất khẩu thí điểm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo thỏa thuận về yêu cầu KDTV giữa Việt Nam và Trung Quốc, trước mắt Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ cho phép nhập khẩu quả chanh leo tươi của Việt Nam qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bao gồm: Hữu Nghị quan, Pò Chài, Ga Đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.
Ngoài các yêu cầu về KDTV trước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo Việt Nam phải được đăng ký và phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục BVTV. Bên cạnh đó, phải thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép và lưu trữ hồ sơ giám sát sinh vật gây hại, dư lượng thuốc BVTV, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, phải có cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.
Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình, làm cơ sở cho các bước tiếp theo, tiến tới ký kết nghị định thư chính thức về KDTV đối với qủa chanh leo Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.
Để đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về KDTV và an toàn thực phẩm đối với chanh leo xuất sang Trung Quốc, Cục BVTV và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thống nhất cấp mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Tại buổi lễ công bố, Bà Nguyễn Thị Thu Hương đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh khẩn trương chỉ đạo triển khai hiệu quả Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV của Bộ NN-PTNT về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Rà soát lại các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo trên địa bàn; đối chiếu với hướng dẫn thí điểm nhập khẩu chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định từ phía bạn.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương thảo luận với các đại biểu tham dự Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai chương trình giám sát dư lượng đối với chanh leo xuất khẩu, thực hiện chương trình giám sát sinh vật gây hại, quản lý tốt dịch hại, giảm thiểu tối đa số lần sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng; hỗ trợ các đơn vị thiết lập các vùng trồng đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.
Hiện nay, Cục BVTV đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, các địa phương cần cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu này để các doanh nghiệp biết, tìm hiểu các vùng nguyên liệu.