Ngày 27 tháng 08 năm 2021, tại Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến: “Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội nghị do Bộ trưởng Lê Minh Hoan trực tiếp chủ trì với sự tham gia của gần 300 đại biểu tại 240 điểm cầu đến từ các Sở, ban, ngành của 13 tỉnh đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL), các đơn vị nghiên cứu, hiệp hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật xuất khẩu; các cơ quan báo chí và truyền thông.
Bộ trưởng chủ trì Hội nghị
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, làm cơ sở cho giải pháp hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp minh bạch, bền vững, có trách nhiệm, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm trồng trọt tại vùng ĐBSCL.
Hội nghị đưa ra bức tranh tổng thể về thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV tại Việt Nam nói chung và tại các tỉnh ĐBSCL nói riêng với nhiều tồn tại, hạn chế. Lượng phân bón hữu cơ trung bình ở khu vực này được sử dụng chỉ bằng 27,4% so với trung bình cả nước, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng chiếm 43,51% tổng lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng trên cả nước, hiệu quả sử dụng phân bón và thuốc BVTV chưa cao, nhận thức của người buôn bán, sử dụng phân bón và thuốc BVTV chưa tốt, trách nhiệm với cộng đồng còn kém, tỷ lệ người sử dụng phân bón, thuốc BVTV không đúng kỹ thuật còn cao dẫn đến lãng phí vật tư, tăng chi phí đầu vào, dịch hại kháng thuốc, giảm hiệu quả phòng trừ, để lại dư lượng trong nông sản và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hội nghị cũng cho biết ĐBSCL có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất, chiếm gần 36,84% (1.258 mã) và số lượng mã số đóng gói nhiều nhất, chiếm 51,48% (940 mã) tổng mã số đã cấp trên toàn quốc, với 12 loại quả tươi được cấp mã số, nhiều nhất là thanh long, tiếp đến xoài, nhãn, chôm chôm, chanh, mít, dưa hấu, chuối và vú sữa, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng gian lận mã số, chưa tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh và kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Đồng thời, Hội nghị đã đề xuất các giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc BVTV, vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật xuất khẩu nhằm đáp ứng điều kiện của nước nhập khẩu.
Các đầu cầu tham gia Hội nghị
Hội nghị đã nhận được được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan quản lý địa phương như các sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang…, các công ty phân bón Bình Điền với mô hình canh tác thông minh, công ty VFC, tập đoàn Quế Lâm.., các Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV, Croplife, Viện Nghiên cứu thổ nhưỡng nông hóa với nhiều kiến nghị, đề xuất cho hoạt động quản lý, sử dụng phân bón, thuốc BVTV cũng như bảo vệ môi trường. Các cam kết cùng thực hiện phát triển thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ và mã số vùng trồng cũng đã được ký kết giữa Cục BVTV và một số doanh nghiệp.
Ký kết trực tuyến giữa Cục BVTV và một số doanh nghiệp Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Chúng ta không thể tiếp tục nền nông nghiệp đánh đổi những chi phí vô hình của “hệ sinh thái”, “đa dạng sinh học” “sức khỏe người dân” bằng các chi phí đầu vào phân, thuốc BVTV.. với tư duy sản lượng, sản xuất hàng hóa lớn…Mọi hoạt động hiện nay, ngày mai của tất cả chúng ta cần thay bằng các chữ: “phát triển bền vững”. Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp xích lại gần nhau, cùng lắng nghe, chia sẻ, đồng hành với người nông dân, tạo ra các cộng đồng liên minh vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Thông qua các hoạt động thiết thực từ trung ương đến địa phương, mọi người cùng đồng lòng, dẫn dắt giữ lại tương lai và trả lại hệ sinh thái tự nhiên cho ĐBSCL”.
.