Sáng ngày 26/11/2020, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Phước và Tổ chức IDH tổ chức Hội nghị Tổng kết dự án “Mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp” và Thúc đẩy đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm; Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tổng kết dự án “Mô hình liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp” và thúc đẩy đầu tư nông nghiệp có trách nhiệm
Tại Hội nghị, TS. Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng BVTV, Cục Bảo vệ thực vật, Chủ nhiệm dự án báo cáo kết quả thực hiện dự án trong 3 năm (2018-2020) tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án đã đạt được mục tiêu đề ra: Trong 3 năm xây dựng được 16 mô hình (5 ha/mô hình) sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; 16 mô hình liên kết (20 ha/mô hình) sản xuất hồ tiêu an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp. Sản phẩm của các mô hình này đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính (EU, Mỹ, Úc). Tại các mô hình dự án, năng suất tăng trung bình từ 5,5% đến 13,3%/năm. Lãi thuần đạt cao, trung bình đạt 37,6 triệu đồng/ha năm 2018; 40,6 triệu đồng/ha năm 2019; 90,9 triệu đồng/ha năm 2020. Hiệu quả vượt hơn so với mô hình đối chứng trung bình 14,8 triệu đồng/ha năm 2018, tương đương 64,6%; 15 triệu đồng/ha năm 2019, tương đương 59,1% và 25 triệu đồng/ha năm 2020, tương đương 38,4%.
Tổ chức được 16 liên kết chuỗi giữa người trồng hồ tiêu và doanh nghiệp để xuất khẩu sản phẩm thuộc dự án. Sản lượng hồ tiêu đã được liên kết tiêu thụ trong năm 2018 đạt 295 tấn, năm 2019 đạt 500 tấn, năm 2020 ước đạt gần 500 tấn. Bên cạnh đó cũng tổ chức đào tạo tập huấn cho gần 1.200 người tham gia thực hiện mô hình và nông dân ngoài mô hình. Tổ chức 17 hội nghị đầu bờ, 01 hội nghị tổng kết dự án. Thiết kế và in ấn 10.000 tờ gấp và xây dựng Video clip tuyên truyền về liên kết sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, một trong những tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất khu vực miền Đông, cho biết: “Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cung cấp dinh dưỡng cho cây tiêu cân đối giữa phân hữu cơ và phân vô cơ, phân bón lá, sử dụng các loại nấm đối kháng trong phòng trừ sinh vật gây hại, quản lý dịch hại tổng hợp nên vườn tiêu tham gia dự án phát triển tốt hơn, lá đậm màu hơn, chiều dài chuỗi bông dài hơn, tỷ lệ đậu trái cao hơn so với các vườn canh tác truyền thống, năng suất đạt cao hơn so với sản xuất đại trà”. Một lợi ích lớn đối với người nông dân tham gia dự án là được tiếp cận kỹ thuật chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng bền vững. Đầu ra sản phẩm được Công ty Gia vị Nedspice Việt Nam thu mua toàn bộ.
Kết luận Hội nghị Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương đánh giá cao kết quả đạt được của dự án trong 3 năm qua; đề nghị các tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác để mở rộng diện tích liên kết; đề nghị các đơn vị tham gia dự án tang cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân duy trì và mở rộng các mô hình hiệu quả ra ngoài sản xuất.
Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương họp Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu tại TP. Hồ Chí Minh
Trước đó, ngày 25/11/2020 Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Tổ chức phát triển châu Á (GrowAsia) tổ chức họp Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu nhằm đánh giá kết quả thực hiện chiến lược, mục tiêu của nhóm PPP hồ tiêu năm 2020 và rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025; Xây dựng phương án triển khai Dự án EU hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận (VSA) trong sản xuất hồ tiêu. 8 doanh nghiệp tham gia nhóm hợp tác công tư PPP là các công ty xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu ở Việt Nam trong nhiều năm qua.