Chiều ngày 01/12/2020, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ Thực vật của Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Liên chính phủ New Zealand (G2G), Viện nghiên cứu Manaki Whenua-Landcare Research (MWLR) và Công ty Orillion đã công bố thử nghiệm thành công hoạt chất diệt chuột mới có tính chọn lọc và thân thiện với môi trường, mang tên DR8, trên những loài chuột gây hại phổ biến nhất tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi Lễ tổng kết
Sản xuất nông nghiệp tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là lúa gạo, chịu ảnh hưởng rất lớn do chuột xâm hại. Hàng năm, ước tính chuột gây tổn thất tới 5-10% sản lượng lúa của Việt Nam. Chỉ trong hai năm 2015-2016, Việt Nam đã mất đi 20% sản lượng lúa non vì chuột ăn lúa bản địa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, tình hình hạn hán ngày càng gia tăng tạo điều kiện cho chuột ngày càng phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với mùa màng.
Thực tế hiện nay cho thấy hiệu lực của những dòng thuốc diệt chuột truyền thống trên thị trường thế giới ngày càng giảm. Tình trạng kháng với chất chống đông máu - chất phổ biến dùng để sản xuất thuốc diệt chuột - đã được ghi nhận trên nhiều loài chuột tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, thuốc diệt chuột hóa học truyền thống để lại dư lượng, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe của con người và các loài động vật khác, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị nông sản.
Thuốc DR8 đã được thử nghiệm trên toàn Việt Nam trong vòng hai năm qua bởi các chuyên gia của Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm Thuốc BVTV phía Bắc và phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật. Kết quả thử nghiệm cho thấy DR8 có hiệu lực với tất cả các loài chuột được lựa chọn tham gia thử nghiệm.
Tiến sỹ Brian Hopkins của MWLR chia sẻ: “Điểm độc đáo của DR8 là hoạt chất này chỉ được kích hoạt trong cơ thể chuột sau khi chuột ăn thuốc. Như vậy, không như các loại thuốc diệt chuột khác, DR8 vô hại bên ngoài cơ thể chuột. Với ưu thế này, DR8 mang tính đột phá so với các loài thuốc diệt chuột hiện tại vì không gây hại cho các loài động vật khác, rất thân thiện với môi trường và con người.”
Tiến sỹ Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, nhấn mạnh: “Dự án hợp tác nghiên cứu ngày giữa Cục Bảo vệ Thực vật và New Zealand là một dự án rất có ý nghĩa. Đây là lần đầu tiên các chuyên gia của chúng tôi triển khai phương pháp thử nghiệm mới, bao gồm thử nghiệm độc tính thông qua đường miệng và thử nghiệm tính tương thích của bả chuột bằng phương pháp tường vây.”
Đại sứ Wendy Matthews đánh giá cao dự án hợp tác: “Newzealand là quốc gia đi đầu về khoa học nông nghiệp, và chúng tôi cam kết sẽ chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học với các nước khác và hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp toàn cầu. Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai quốc gia, và hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững”.
Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam được nâng lên tầm đối tác chiến lược, trong đó hai bên cam kết tăng cường hợp tác nông nghiệp song phương, bao gồm thương mại các sản phẩm nông nghiệp, hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ và hợp tác kỹ thuật, cũng như thiết lập chương trình Đối thoại Nông nghiệp định kỳ giữa hai quốc gia.