"Ruộng lúa, bờ hoa" mở ra mô hình sinh thái

Ngày đăng: 10/08/2011 Lượt xem 3131

Nông dân Nguyễn Văn Dũng, ấp Tân Hòa C, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, thích chí chỉ tay về phía những khóm hoa soi nhái vàng rực rỡ trên bờ ruộng, khoe: “Không chỉ có ong ký sinh mà còn nhiều loại ong khác cũng bị thu hút từ những khóm hoa này. Còn sâu vào trong cánh đồng, mật số thiên địch như: nhện lùn, nhện lưới, nhện linh miêu, bọ xít mù xanh, bọ rùa, muồm muỗm, chuồn chuồn kim... rất nhiều. Cũng nhờ có đám côn trùng này mà trong suốt cả vụ, ruộng của tôi và 3 người thực hiện mô hình vẫn khỏe re, không hề bị rầy nâu hay sâu cuốn lá gì tấn công hết”. Hiện tại, trên bờ đê ruộng lúa của anh Dũng, chỉ còn lại lác đác những khóm hoa trâm ổi, soi nhái, đậu bắp và nhiều nhất là những cây mè vươn cao khỏi đầu đang cho trái. Theo anh Dũng, những thứ hoa dại này không chỉ đẹp, mà còn dẫn dụ côn trùng rất tốt và đặc biệt là “khắc tinh” của loài chuột. Theo lý giải của kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Cẩm, cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện Mỹ Tú, mùi hương của hoa trâm ổi làm loài chuột rất khó chịu, nên chúng không đám đến gần. Rất nhiều loài côn trùng thích ăn mật hoa và phấn hoa vì có nhiều chất đường, protein... Đặc biệt, cây trồng ra hoa màu trắng và màu vàng có nhiều phấn sẽ càng thu hút nhiều thiên địch đến hút mật, đẻ trứng và tấn công các loài sâu hại nên nông dân không phải sử dụng thuốc trừ sâu.

Trồng cây có hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn và nuôi dưỡng ong ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa, sau đó chúng bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng được 4 nông dân ở ấp Tân Lập C triển khai thí điểm đầu tiên. Theo kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Cẩm, cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện Mỹ Tú, mục tiêu chính của mô hình là: tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng và ngưng sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu của cây lúa. Từ đó, giúp tăng cường sức đề kháng cho ruộng lúa và giúp nông dân giảm thuốc trừ sâu. Vì vậy, mô hình chọn những giống hoa dại phù hợp như: trâm ổi, soi nhái, cúc, đậu phộng hoang dại... kết hợp với một số cây có hiệu quả kinh tế như: mè, đậu bắp... để dẫn dụ thiên địch có khả năng tiêu diệt rầy nâu và các côn trùng gây hại khác.

Anh Dũng, ấp Tân Hòa C, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, cho biết: “Cả vụ lúa này, không phun thuốc BVTV nhưng 2ha lúa của tôi vẫn xanh tốt, oằn bông. Tôi quan sát thấy ruộng mình vẫn có sự xuất hiện của sâu cuốn lá, rầy nâu, nhưng sau đó chúng tự chết... Hôm rồi mới gặt một mẫu, tính năng suất lúa tươi ít gì cũng phải 7,2 tấn/ha”. Lúa còn đứng trên đồng, nhưng thương lái đã đến trả giá mua 5.200 đồng/kg lúa tươi, làm anh Dũng thêm phấn chấn: “Vụ này xem như thắng to vì vừa tiết kiệm được chi phí, lúa đạt năng suất cao lại bán được giá, mà mình lại khỏe re vì không dính thuốc BVTV”... Theo tính toán của anh Dũng, cứ mỗi lần phun thuốc BVTV, tốn ít gì cũng từ 15-28.000 đồng/công. Theo cách sản xuất thông thường, mỗi vụ nông dân phải phun từ 3-4 lần thuốc BVTV. Do quá trình triển khai thực hiện, việc xuống giống 5 ha của mô hình chậm hơn các ruộng lân cận nên những khu vực giáp ranh buộc phải phun xịt thuốc trừ bọ xít hôi từ ruộng thu hoạch sang. Tuy nhiên, theo ước tính, chênh lệch tiền thuốc BVTV giữa ruộng mô hình (có phun thuốc) với ruộng lân cận lên đến trên 1,6 triệu đồng/ha; đối với ruộng của anh Dũng, con số chênh lệch này lên trên 3 triệu đồng/ha...

Ruộng lúa, bờ hoa đầu tiên ở Tân Lập C đang mở ra hướng sản xuất lúa theo quy trình sinh thái. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc môi trường sẽ được cải thiện hơn, sức khỏe nhà nông được đảm bảo hơn và sản phẩm ngày càng sạch hơn, sức cạnh tranh sẽ cao hơn. Kỹ sư Cẩm phân tích thêm: “Nếu bờ bao đủ lớn, nông dân có thể trồng dưa leo, khổ qua, bầu bí... vừa thu hút côn trùng có ích, vừa có thêm thu nhập. Đặc biệt, mô hình này rất thích hợp để triển khai kết hợp mô hình lúa-cá, lúa-tôm...”... Ông Trần Văn Tâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, cho biết: Thành công của mô hình ruộng lúa, bờ hoa ở ấp Tân Lập C rất có ý nghĩa trong việc hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay, Phòng đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này tại các tổ hợp tác, cánh đồng mẫu tập trung ngay trong vụ đông xuân tới, làm tiền đề cho việc sản xuất lúa chất lượng cao và an toàn.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/

Tin liên quan

123movies