Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024
Chiều 21/12, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Hoàng Trung tham dự, chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho biết trong năm qua tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức của Cục đã đoàn kết, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ theo mục tiêu theo kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Mở cửa để trái cây, nông sản Việt ra thế giới
Trong năm 2023, tăng trưởng 74% lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhờ mở cửa thị trường, trong đó riêng sầu riêng đạt 2 tỷ USD. Nhiều loại trái cây, nông sản Việt đã đến được những thị trường trong điểm như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, đã đàm phán thành công để mở cửa thị trường Hoa Kỳ đối với dừa tươi xuất khẩu, ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhận chuyển giao việc giám sát các cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu thay cho việc phải mời chuyên gia nước ngoài.
Cục đã cấp tổng số 6.997 mã số vùng trồng; cấp 1.613 mã số cơ sở đóng gói cho hơn 20 loại sản phẩm (sầu riêng, chanh leo, bưởi, thạch đen, chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu…). Số lượng các mã số vùng trồng bị thu hồi là 201 mã số; 206 mã số cơ sở đóng gói với lý do không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Công tác kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu được đẩy mạnh, đã kiểm dịch được 46 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu (tương đương 319 ngàn lô hàng) và 47 triệu tấn nhập khẩu (tương đương 327 ngàn lô). Đã phát hiện 497 lô hàng nhập khẩu (trọng lượng trên 241 ngàn tấn) nhiễm 6 đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam; 77 lô hàng xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Siết chặt công tác quản lý thuốc BVTV Cục BVTV ưu tiên cho đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường; tiếp tục rà soát, loại bỏ các thuốc BVTV độc hại. Cục cũng xây dựng chương trình phát triển thuốc BVTV sinh học để trình Bộ ban hành Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050; tham gia ký kết với các doanh nghiệp thuốc BVTV; ưu tiên cấp Giấy phép khảo nghiệm cho 28 loại thuốc BVTV sinh học với 66 sinh vật gây hại (tăng 1,27 lần so với năm 2022).
Quang cảnh Hội nghị Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt cho biết, việc quản lý, kiểm soát thuốc BVTV có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ các vùng sản xuất, do đó được đặc biệt chú trọng. Cục đã ký cam kết phối hợp với 12 doanh nghiệp thuốc BVTV, hiệp hội Croplife Việt Nam, tổ chức tập huấn cho gần 340 nghìn nông dân, hơn 10.000 đại lý về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; xây dựng 170 bể chứa và bể lưu chứa, thu gom 76.000kg bao bì, vỏ chai để xử lý tiêu hủy; xây dựng 820 mô hình trên lúa, cây ăn quả, chè, rau… Cục đã trình Bộ ban hành Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2023, tầm nhìn 2050; thực hiện ký cam kết thực hiện chương trình phát triển phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm với 24 doanh nghiệp; đã xây dựng 72 mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm trên lúa, cây ăn trái, rau màu, cây công nghiệp với diện tích 360ha tại các vùng sản xuất trọng điểm.
Ngoài ra, theo Cục BVTV, Cục đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quản lý pháp luật; các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Cục đều được triển khai trên Hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia và dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Công tác BVTV từ Trung ương đến địa phương được tổ chức triển khai, bảo vệ thành công các vụ sản xuất trong năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt cho biết, vẫn tồn tại tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả không đảm báo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… chưa được kiểm soát tuyệt đối; hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và ATTP được các quốc gia nâng lên mức rất cao, chủng loại hàng hóa nông sản xuất, nhập khẩu và thị trường ngày càng đa dạng… tạo áp lực đối với công tác kiểm dịch thực vật, ATTP, năng lực, nghiệp vụ của lực lượng thực thi chưa đáp ứng được với những thay đổi này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục BVTV đã có nhiều thành tích trong công tác
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với ngành BVTV phải thích ứng, dung hòa trước những khó khăn chủ quan, khách quan đặt ra. Bộ trưởng cho rằng, “tiếp cận công việc của chúng ta đang làm ở mức nào thì tầm nhìn của chúng ta ở mức đó. Cán bộ BVTV là người tạo ra sức mạnh để bảo vệ cộng đồng, cần học hỏi, tìm hiểu thêm các lĩnh vực khác bên cạnh chuyên môn của mình; là người tạo ra niềm vui cho bà con nông dân”.
Thay mặt tập thể Cục BVTV, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng và các đại biểu tại Hội nghị. Kế hoạch năm 2024, Cục BVTV sẽ chú trọng thực hiện 4 đề án, gồm: Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); Phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; Phát triển sản xuất về sử dụng thuốc BVTV sinh học; Đề án nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng. Cục cũng đề xuất với Bộ xem xét, chuyển giao công tác kiểm tra chất lượng nhà nước mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu về Cục Thủy sản và Cục Chăn nuôi quản lý.